Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Nhân một trường hợp gắp thành công dị vật đường thở tại khoa Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương

Nhân một trường hợp gắp thành công dị vật đường thở tại khoa Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương

 

 

TS.BS Lê Thị Hồng Hanh – Phó trưởng khoa Hô hấp

Đại cương
Dị vật đường thở là những tai nạn có thể nguy hiểm ngay đến tính mạng và phải được xử trí cấp cưú. Thường gặp ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn, gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ tuổi.

Mọi lứa tuổi có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì… mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc…

Nguyên nhân

Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm. Người lớn trong khi làm việc cũng có những người quen ngậm một số những dụng cụ nhỏ vào mồm, đó là điều kiện dễ đưa tới dị vật rơi vào đường thở hay vào thực quản.

Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi …

Dị vật bị rơi vào đường thở do bị liệt họng, thức ăn rơi vào đường thở.

Do tai biến phẫu thuật: khi gây mê, răng giả rơi vào đường thở, mảnh V.A khi nạo, khi lấy dị vật ở mũi bị rơi vào họng và rơi vào đường thở.

NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

Chiều ngày 01/05/2014, các bác sĩ khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Trung Ương vừa thực hiện gắp thành công một dị vật đường thở rất nguy hiểm trong khí quản của một bệnh nhi nhỏ tuổi.

12

 

Hình ảnh X-Quang cho thấy hình ảnh dị vật đường thở của bệnh nhân

Bệnh nhân Trần Hoàng L (20 tháng tuổi, ở Phú La – Hà Đông – Hà Nội) được đưa đến bệnh viện nhi Trung ương chiều ngày 01/05/2014 trong tình trạng không suy hô hấp, bệnh nhân chỉ có triệu chứng ho sặc sụa. Sau khi chụp X-Quang phát hiện có một dị vật bằng kim loại tròn (mẹ bệnh nhân kể cháu nuốt phải đầu tròn của chiếc bấm móng tay trong lúc chơi). Bác sĩ Trương Thị Việt Nga và TS.Lê Thị Hồng Hanh tiếp nhận bệnh nhân đã xác định đây là một dị vật đường thở rất nguy hiểm và rất khó gắp do dị vật tròn và di động, rất khó để gắp nên đã hội chẩn với kíp soi để nội soi phế quản cấp cứu.

Sau hơn 15 phút khẩn trương và hết sức cẩn thận, kíp soi gồm: bác sĩ Phùng Đăng Việt, điều dưỡng Nguyễn Thành Đồng đã tiến hành nội soi phế quản gắp thành công dị vật và không xảy ra tai biến gì.

 

2

 

Hình ảnh dị vật đường thở đã được nội soi phế quản gắp thành công.
3

 

Hình ảnh X-quang sau khi dị vật đã được gắp ra thành công

Nhân trường hợp này, TS. BS. Lê Hồng Hanh – Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi TƯ khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh chú ý không để trẻ em chơi những đồ vật sắc nhọn hoặc nhỏ, dễ sặc hóc và rất thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt lạc, hạt ngô, vỏ tôm, cua ..để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra”.



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em