Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Những kỳ vọng từ phẫu thuật nội soi nhi bằng rô-bốt

Những kỳ vọng từ phẫu thuật nội soi nhi bằng rô-bốt

Tuy nhiên, đây là loại phẫu thuật công nghệ cao nên Nhà nước cần có cơ chế bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp nhằm hỗ trợ các bệnh nhi nghèo không may mắc các bệnh lý phức tạp.

Phẫu thuật nội soi (PTNS) được ứng dụng ở nước ta đã hơn 15 năm nhưng PTNS bằng rô-bốt thì lần đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương mới gần hai năm nay. Tuy nhiên, đây là loại phẫu thuật công nghệ cao nên Nhà nước cần có cơ chế bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp nhằm hỗ trợ các bệnh nhi nghèo không may mắc các bệnh lý phức tạp.

Robot

Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đang thực hiện phẫu thuật nội soi nhi bằng rô-bốt.

Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Chủ nhiệm Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Triển khai từ cuối tháng 2/2014 đến hết năm 2015, bệnh viện đã thực hiện được 83 ca PTNS bằng rô-bốt. Hai trường hợp gần đây nhất là cháu Trần Thị Ngọc Bích (1 tuổi), bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh được mổ vào ngày 15/12/2015 và cháu Đồng Việt Anh (8 tuổi) bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản, thực hiện vào ngày 17/12/2015. Sau PTNS bằng rô-bốt, các cháu chỉ điều trị khoảng năm ngày, an toàn rồi xuất viện. PTNS bằng rô-bốt thực ra đã được tiến hành cách đây hơn 20 năm ở một số nước phát triển và được áp dụng cho bệnh nhân lớn tuổi.

Khi chuyển giao vào Việt Nam, với sự sáng tạo (cải tiến một số chi tiết), các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã ứng dụng để phẫu thuật cho đối tượng bệnh nhân nhỏ tuổi. PTNS bằng rô-bốt như Tiến sĩ Hiền trao đổi, là loại phẫu thuật công nghệ cao đặc biệt mà anh chính là người đi tiếp thu ở nước ngoài về, và lâu nay là người trực tiếp mổ và điều hành các ca PTNS bằng rô-bốt ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

PTNS bằng rô-bốt (hay còn gọi phẫu thuật rô-bốt) là một kỹ thuật hiện đại trong PTNS. Nó được thực hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào những năm cuối 80 của thế kỷ trước. Hiện nay PTNS rô-bốt đã trở thành thường quy tại các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản… và được thực hiện trên các mặt bệnh của người lớn như cắt dạ dày, cắt gan, cắt khối u tiền liệt tuyến, phẫu thuật lồng ngực. Tuy nhiên để triển khai thực hiện loại phẫu thuật này cần có trang thiết bị đắt tiền. Đầu năm 2014, sau một thời gian chuẩn bị và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bệnh viện Nhi Trung ương nhập khẩu thiết bị và khai trương PTNS rô-bốt đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2014).

Có thể nói, đây là trung tâm nhi khoa đầu tiên của Đông Nam Á và là nước thức 3 ở châu Á thực hiện loại phẫu thuật hiện đại này.

Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, chuyên gia hàng đầu, người mổ quá nửa số ca (83 trường hợp đến thời điểm này) tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: So với PTNS quy ước thì PTNS rô-bốt có độ chính xác cao hơn. Bởi với đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ trên hình ảnh 3D, cho phép các “cánh tay” rô-bốt có thể xoay chuyển ở mọi góc độ, ngóc ngách của vị trí cần mổ (mà cánh tay người phẫu thuật viên khó thực hiện). Ưu việt của PTNS rô-bốt là vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, không gây sang chấn và ít chảy máu, mức độ cảm giác đau của bệnh nhân được hạn chế đến mức tối đa, nên trạng thái phục hồi sức khỏe nhanh (sau mổ, người bệnh điều trị không quá một tuần thì xuất viện).

Đáng chú ý, đến nay đã có hơn 80 ca PTNS rô-bốt được thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương với các mặt bệnh phức tạp như phình đại tràng bẩm sinh, u nang ống mật chủ, hội chứng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các khối u trong ổ bụng hoặc ở lồng ngực nhưng chưa hề có ca nào bị biến chứng. Về chi phí cho một ca PTNS rô-bốt nếu tính đúng và tính đủ thì từ 50 – 80 triệu đồng/ca, nhưng lâu nay Bệnh viện chỉ thu như một ca mổ nội soi thông thường (khoảng 2 triệu đồng/ca).

Thiết bị PTNS rô-bốt sử dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương được nhập khẩu với trị giá hơn 90 tỷ đồng. Song gần hai năm đi vào hoạt động mới thực hiện được 83 ca cho các bệnh lý ở trẻ nhỏ. Thực tế cho thấy hằng năm, cả nước có hàng chục nghìn trường hợp bệnh nhi cần được điều trị bằng phương pháp này, nhưng khá nhiều trường hợp không có khả năng tài chính. Cho nên thiết nghĩ, Nhà nước cần sớm có chính sách BHYT phù hợp để hỗ trợ các đối tượng trẻ nhỏ không may mắc các chứng bệnh phức tạp nêu trên, nhất là những trường hợp gia cảnh nghèo khó ở địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; đặng giúp các em có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng kỹ thuật mới trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Mặt khác, PTNS rô-bốt còn được áp dụng cho các bệnh lý ở người lớn tuổi, bởi vậy nên chăng cần có cơ chế phối hợp giữa Bệnh viện Nhi Trung ương với các bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Hữu nghị Việt- Đức, Trung ương Quân đội 108… nhằm khai thác cao hơn công suất của hệ thống máy móc, thiết bị đắt tiền này.

Nguyễn Khôi 

Báo Công an nhân dân 

 

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em