Sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) Hen là một trong những hoạt động thường niên hướng tới cộng đồng được Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm dành cho các gia đình có trẻ mắc bệnh Hen phế quản và viêm mũi dị ứng.
Theo WHO, ước tính mỗi năm có khoảng 455.000 người trên toàn Thế giới tử vong do hen phế quản, 85% các trường hợp tử vong do Hen phế quản có thể phòng tránh nếu được chẩn đoán và phát hiện kịp thời. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có tần suất mắc hen phế quản cao trên 20%. Vì thế, Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn quan tâm chú trọng đến việc tổ chức sinh hoạt CLB Hen thường niên, nhằm cập nhật, tăng cường kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ mắc Hen cho các cha mẹ.
Sinh hoạt CLB Hen lần 1 năm 2022 được tổ chức trực tuyến qua zoom vào tháng 6 vừa qua với chủ đề “Kiểm soát hiệu quả môi trường cho bệnh Hen và viêm mũi dị ứng”.
Trong buổi sinh hoạt CLB, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh – Phó trưởng Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trình bày “Vai trò của dị nguyên trong bệnh hen và viêm mũi dị ứng”, các loại dị nguyên gì và ảnh hưởng của chúng như thế nào tới sức khoẻ của trẻ. Tiếp sau đó, Cử nhân Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Nga – Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hướng dẫn một cách rất chi tiết và sinh động “Phương pháp phát hiện và kiểm soát môi trường giúp giảm dị ứng”. Tham dự chương trình có các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp và đặc biệt là sự tham gia của gần 100 phụ huynh có con mắc bệnh Hen và Viêm mũi dị ứng đã và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và cả những bệnh nhân Hen phế quản đang được điều trị tại các bệnh viện toàn quốc.
“Ngoài việc cần kiểm soát thật tốt cơn Hen, biết xử lý khi con gặp cơn Hen cấp, bố mẹ cần cố gắng ổn định bệnh, giảm tần suất lên cơn Hen cấp của con. Các bác sĩ rất mong muốn đồng hành cùng các gia đình trong kiểm soát môi trường và điều trị Hen cho con thật hiệu quả. Không chỉ đi khám định kì, cha mẹ cần cố gắng đảm bảo chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn Hen ở trẻ. Việc xác định được những căn nguyên khởi phát và xử lý tốt sẽ giúp chúng ta kiểm soát bệnh Hen hiệu quả.” – TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh – Phó Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.
Tại buổi sinh hoạt, các cha mẹ được thấy tận mắt một cách sinh động những dị nguyên trong nhà như: mạt nhà (chuyên ăn các mẩu da chết, ẩn nấp trong ga gối, thú bông…) hoặc nấm mốc, những chú chó, mèo và các dị nguyên ngoài nhà như phấn hoa.
Ngoài ra, cha mẹ được các bác sĩ cung cấp nền tảng phương pháp phát hiện và kiểm soát môi trường giúp giảm dị ứng. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong phát hiện và kiểm soát các nguồn dị nguyên bằng cách tạo độ thoáng cho gia đình: mở cửa sổ đón ánh nắng thường xuyên, vệ sinh ga, gối, giường, vệ sinh bề mặt ẩm mốc …nhằm giảm thiểu tối đa sự phát triển của các dị nguyên . Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nhấn mạnh cần phải tránh xa các yếu tố kích thích khác như “nói không” với khói thuốc, hạn chế tối đa sử dụng than, giảm tiếp xúc với khói bụi, sơn…
Cuối buổi sinh hoạt, nhiều gia đình gửi tới bác sĩ và điều dưỡng chuyên môn những câu hỏi về các vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị, hạn chế tác nhân gây bệnh và được bác sĩ tư vấn, giải đáp cụ thể. Những gia đình đã thành công trong phương pháp kiểm soát vấn đề nguồn gây dị ứng đối với trẻ tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh.
Để căn bệnh hen không còn là mối đe dọa tính mạng các em nhỏ, các bậc phụ huynh hãy trở thành các ông bố, bà mẹ thông thái, liên tục trang bị, cập nhật kiến thức, cải thiện và củng cố kỹ năng thực hành kiểm soát môi trường nhằm mục đích kiểm soát Hen và viêm mũi dị ứng cho trẻ ngày càng hiệu quả.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử