Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến hết ngày 29/9, cả nước có gần 40.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. Nếu so sánh với thời điểm cách đây 3 tuần, số ca mắc sốt xuất huyết ở mỗi tỉnh thành tăng mạnh thêm 1.000-1.200 ca mỗi tuần. Hiện sốt xuất huyết đang ở đỉnh dịch. Bộ Y tế lo ngại con số tử vong tiếp tục tăng lên do số mắc mới vẫn gia tăng.
Bộ Y tế tích cực vào cuộc ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2015 Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như: Xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết và hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch, tổ chức Hội nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết tại thành phố Hồ Chí Minh trung tuần tháng 4,2015, tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết cấp quốc gia…. Song song với đó, Bộ cũng thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác tại các tỉnh thành phố có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Phòng bệnh sốt xuất huyết là trách nhiệm của mỗi người
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu,
bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, chủ yếu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
đồng bằng Bắc Bộ và vùng ven biển miền Trung.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta, chúng thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can… tại các hộ gia đình. Vào mùa hè các ổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa,…
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng như sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông,bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà
Lê Mai ( tổng hợp)
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng