Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), năm 2003có khoảng 1,87 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy, trong đó 80% là trẻ từ 0 – 2 tuổi. Trung bình, trẻ dưới 3 tuổi mắc từ 3 đến 4 đợt tiêu chảy, thậm chí có những trẻ bị 8-9 đợt bệnh, mỗi năm.
Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng (SDD). SDD và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến SDD và khi trẻ bị SDD lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với các quốc gia nghèo, đang hoặc kém phát triển.
Một trong những bước tiến quan trọng trong xử trí mất nước do tiêu chảy cấp là sử dụng dung dịch bù nước điện giải bằng đường uống. Liệu pháp này đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong 90% trường hợp tiêu chảy ở mọi lứa tuổi và mọi căn nguyên.
Sau 20 năm, một dạng dung dịch ORS hiệu quả hơn đã được nghiên cứu và áp dụng. Đây là ORS nồng độ thẩm thấu thấp, chứa 75 mmol muối NaCL/l muối và 75 mmol đường/l, được WHO khuyên dùng vì giảm được 33% nhu cầu truyền dịch tĩnh mạch, 30% số lần nôn và 20% lượng phân so với việc sử dụng loại ORS chuẩn trước đây.
Tài liệu “Hướng dẫn xử trí bệnh tiêu chảy ở trẻ em” đã được cập nhật, bao gồm hướng dẫn sử dụng ORS nồng độ thẩm thấu thấp, bổ sung kẽm, xử trí tiêu chảy phân máu và tiêu chảy ở bệnh nhân HIV. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm và sử dụng OSR nồng độ thẩm thấu thấp có thể giảm được thời gian mỗi đợt tiêu chảy cũng như số đợt mắc tiêu chảy.
Theo Hướng dẫn xử trí bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Chủ biên:TS Lê Thanh Hải