Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày vừa qua được ví như “rốn” sởi, như “tâm bão”… Là bệnh viện tuyến cuối của toàn miền Bắc, đây là nơi có số lượng bệnh nhân đông nhất, cũng là nơi tập trung các ca bệnh nặng nhiều nhất, và nói như PGS.TS Lê Thanh Hải, thì những ngày qua bệnh viện chính là một “mặt trận” khi cuộc chiến giành sự sống cho các bệnh nhi đang diễn ra vô cùng quyết liệt.
Từ khi dịch sởi bùng phát tới nay, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, làm việc hết công suất không ngừng nghỉ. Tại khoa Điều trị tích cực, nơi tập trung các cháu bệnh nặng, phải cách ly với gia đình, việc chăm sóc các cháu hoàn toàn do các bác sĩ, điều dưỡng tại đây đảm nhiệm. Tại khoa luôn có khoảng 40 bệnh nhân nặng mà chỉ có 5 bác sĩ và 8 điều dưỡng thay nhau chăm sóc.
Các y bác sĩ bệnh viện Nhi TW thường xuyên phải làm việc tăng ca với áp lực công việc rất lớn
TS Tạ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực chia sẻ: Đã lâu lắm rồi anh không biết đến ngày nghỉ. Các bác sĩ trong khoa cũng thường xuyên làm việc đến 7-8 giờ tối mới về nhà, buổi trưa có những hôm còn làm việc quên ăn, ngẩng lên thì đã là 2 giờ chiều, vất vả và áp lực vô cùng. Theo anh, áp lực nhất là dù đã cố gắng hết sức, huy động tất cả các phương tiện có thể mà vẫn không cứu được các cháu. Mỗi khi có bệnh nhân tử vong, không chỉ anh mà các bác sĩ đều thấy trăn trở, suy nghĩ.
Khi được hỏi, là người cha cũng có con nhỏ, làm việc trong môi trường được coi là “ổ dịch” như vậy, bản thân anh có lo sợ không, BS Tuấn cười nói: “Thú thật, người thân hàng ngày đọc báo, nghe đài về tình hình bệnh sởi, lại chứng kiến mình đi sớm về khuya vậy cũng hoang mang lắm chứ, nhưng may mắn là gia đình vẫn luôn động viên, ủng hộ để mình an tâm công tác. Quan trọng hơn nữa, đó là nghề nghiệp mình đã chọn. Nếu không thật tâm yêu thương các cháu, coi các cháu như chính con cháu mình thì chắc sẽ không thể theo được nghề này”.
Còn đối với điều dưỡng Nguyễn Văn Hoàn, khoa Điều trị tích cực, khoảng thời gian ngày đêm sớm tối với các bệnh nhân sởi vừa qua chắc sẽ khiến anh không bao giờ quên. Anh bùi ngùi: “Những bệnh nhi bị biến chứng do sởi, những tiếng gào khóc thảm thiết của người cha người mẹ mất con, tất cả đều trở thành nỗi ám ảnh. Xót xa nhất có lẽ phải kể đến trường hợp một bệnh nhi viêm phổi nặng do biến chứng sởi không qua khỏi. Đêm hôm đó đúng đêm mình trực, khi cháu ra đi, mình đã tìm đủ mọi cách nhưng không sao liên lạc được với gia đình. Quả thực, lúc ấy chính mình cũng thấy đau đớn, xót xa.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Hoàn đang chăm sóc một bệnh nhân mắc sởi bị biến chứng nặng
Điều dưỡng Hoàn tâm sự: Là y bác sĩ, ai mà không mong muốn bệnh nhân sớm lành bệnh. Nhìn các cháu nhỏ bình phục ra viện, mình cũng cảm thấy vui lây. Đó chính niềm hạnh phúc, là động lực cho các y bác sĩ cố gắng mỗi ngày.
Khánh Chi