Bạo lực, xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây ở trên thế giới và tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, toàn quốc trong 9 tháng năm 2022, đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm. Bạo lực, xâm hại trẻ em đã để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối, trực thuộc Bộ Y tế. Từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện đã triển khai công tác bảo vệ trẻ em, trong quá trình hoạt động đã xây dựng quy trình phát hiện, tiếp nhận và chăm sóc y tế cho trẻ nghi ngờ bị xâm hại, đồng thời ban hành tài liệu hướng dẫn thực hành hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ bị xâm hại đến khám, điều trị tại Bệnh viện và đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ y tế trong bệnh viện.
Thực hiện kế hoạch Công tác xã hội trong ngành Y tế năm 2023, từ ngày 12-14/12/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức lớp “Tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên công tác xã hội các bệnh viện Sản – Nhi khu vực miền Bắc trong trợ giúp trẻ có khó khăn về tâm lý” nhằm mục đích trang bị những kiến thức, kỹ năng sàng lọc cho trẻ nghi ngờ bị xâm hại; cách nhận diện các vết thương, các dấu hiệu trẻ bị xâm hại, đặc biệt là các kỹ năng, các hoạt động CTXH trong hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị bạo hành, xâm hại….
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ThS Trịnh Ngọc Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương mong muốn thông qua lớp tập sẽ góp phần nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong việc phối hợp với các y bác sĩ trong việc phát hiện, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị bạo hành, xâm hại một cách tốt nhất. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe Trẻ em.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên – Phó Ban bảo vệ Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ những nội dung về xâm hại ở trẻ em và vai trò của ngành Y tế và cung cấp các công cụ để sàng lọc những trường hợp nghi ngờ; nhận diện các trường hợp trẻ bị sao nhãng và xâm hại tình dục ở trẻ em.
Bên cạnh đó, các học viên cũng đã được ThS Vũ Văn Thuấn – Khoa Sức khỏe vị thành niên và ThS Nguyễn Thanh Phượng – Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ nội dung về: một số kỹ năng tham vấn cho trẻ và gia đình; cách đánh giá nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và đánh giá nguy hiểm tức thời và kế hoạch bảo vệ khẩn cấp.
Bên cạnh việc trang bị lý thuyết, các giảng viên cũng đã đưa ra tình huống thông qua các hình ảnh và minh họa trực tiếp để học viên đánh giá và thực hành thực hành sàng lọc trẻ bị xâm hại và thực hành kỹ năng tham vấn tâm lý cho trẻ, gia đình dựa trên kiến thức đã được học.Với những tình huống thực tế được đưa ra và hướng dẫn chi tiết của giảng viên, lớp đã cùng nhau trao đổi, liên hệ thực tế, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng để bản thân vận dụng tốt hơn trong quá trình hỗ trợ, can thiệp trẻ và gia đình trẻ là nạn nhân của xâm hại, xâm hại tình dục
Ngoài ra, cũng trong tháng 11 và tháng 12/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên phòng Công tác xã hội và mạng lưới công tác xã hội của Bệnh viện.
Kết thúc các khóa tập huấn, các học viên là nhân viên phòng công tác xã hội, mạng lưới công tác xã hội của Bệnh viện Nhi Trung ương và nhân viên công tác xã hội các bệnh viện khu vực miền Bắc có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng giúp cho việc thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ bị bạo hành, xâm hại tại đơn vị ngày càng tốt hơn.
Một số hình ảnh tại lớp tập huấn:
Vy Hiếu – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu