Chiều ngày 13/11/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức lớp tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực nhận biết, hỗ trợ trẻ tự kỷ cho các cán bộ phòng Công tác xã hội tại bệnh viện
Lớp tập huấn thu hút sự tham gia của khoảng 40 cán bộ thuộc các chuyên ngành Công tác xã hội tại bệnh viện. Tại buổi tập huấn, cán bộ, bác sĩ được cập nhật các kiến thức về nhận biết chẩn đoán trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Giảng viên của lớp tập huấn là Thạc sĩ BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội Bệnh viện tuyến Trung ương được học tập, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn trong vấn đề chăm sóc trẻ tự kỷ. Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, Tự kỷ là một RL phát triển lan tỏa với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh này khởi phát trước 3 tuổi, diễn biến kéo dài. Trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ thường biểu hiện sự khiếm khuyết 3 lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại.
Tự kỷ là một dạng “Phổ rối loạn” bởi các triệu chứng xuất hiện ở trẻ rất khác nhau và kết hợp đa dạng. Tuỳ từng trẻ mà các triệu chứng biểu hiện ở mức độ khác nhau. Ví dụ, cùng mắc chứng tự kỷ, nhưng 2 trẻ khác nhau có hai điểm mạnh và hai khó khăn khác nhau. Hai trẻ cùng mắc hội chứng tự kỷ cũng có khả năng trí tuệ, ngôn ngữ khác nhau. Bác sĩ Minh cũng cho biết, để chẩn đoán trẻ mắc hội chứng tự kỷ, cần tập trung vào những thiếu hụt cốt lõi về giao tiếp và hành vi.
Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Giả thuyết về thần kinh học cho rằng hội chứng rối loạn phổ tự kỷ được cho là rối loạn đa yếu tố, nghĩa là nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp để tăng nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ cũng được cho là có liên quan đến yếu tố gen di truyền và môi trường sống. Sự tương tác giữa các yếu tố gen và môi trường sống là cơ sở cho hàng loạt triệu chứng và hành vi phức tạp không đồng nhất ở trẻ mắc hội chứng phổ tự kỷ.
Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về Nhi khoa trong cả nước, bên cạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ y tế là một trong bảy nhiệm vụ mà Bệnh viện được Bộ Y tế giao phó. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ được triển khai đồng bộ và xuyên suốt. Tại bệnh viện, không chỉ đối tượng bệnh nhi mắc rối loạn phổ tự kỷ được quan tâm, chăm sóc và cả gia đình các trẻ cũng được cán bộ phòng CTXH quan tâm, kết nối tới những nguồn hỗ trợ hiệu quả nhất. Việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ đạt sẽ được hiệu quả tối đa khi có sự phối hợp liên ngành, từ gia đình, tới cán bộ ngành CTXH, nhà trường… trong đó, cán bộ CTXH trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng góp phần vào công việc chăm sóc, trị liệu trẻ tự kỷ. Thông qua kênh kết nối của cán bộ phòng CTXH, các bậc cha mẹ có con mắc tự kỷ có thể tiếp cận các kênh truyền thông, bổ trợ kiến thức giúp chăm sóc trẻ tự kỷ tại gia đình.
Bởi vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực chính là chìa khoá của thành công. Với việc được trang bị kiến thức chuyên sâu về chăm sóc trẻ tự kỷ, cán bộ Công tác xã hội sẽ nối dài cánh tay của các cán bộ y tế trong công tác chăm sóc nhóm trẻ đặc biệt này.
Xu hướng phối hợp đa ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Giáo dục, Công tác xã hội và Y tế về hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ tự kỷ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục chăm sóc trẻ tự kỷ. Chính bởi vậy, việc tổ chức Khóa đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH đối với trẻ tự kỷ là rất quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.