Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Tiếng hát ngày hội ngộ Trường Sa

Tiếng hát ngày hội ngộ Trường Sa

“Giữa mênh mông là biển trời, lời ca tiếng hát của chúng tôi hòa lẫn vào nhau. Kể cả người biết hát và không biết hát đều cống hiến hết mình trong cuộc hội ngộ này. Người trên đảo thì mừng vui khi thấy người đất liền, người đến từ đất liền lại mong gửi hết tình yêu ở biển đảo”- Nữ bác sĩ Phạm Thu Hiền, Bệnh viện Nhi Trung ương, nghẹn ngào nhớ lại những phút giây khó quên nơi Trường Sa yêu dấu.

Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, vượt sóng gió nghìn trùng, cùng với công đoàn ngành Y tế Việt nam và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh , ba đại diện của Bệnh viện Nhi Trung ương đã có chuyến đi đầy ý nghĩa  về với Trường Sa. Hành trình kéo dài 10 ngày để lại những cảm xúc nóng bỏng trong lòng các thầy thuốc. Họ cảm nhận thật rõ tình yêu quê hương và hiểu hơn sự hy sinh lớn lao của các cán bộ chiến sĩ đảo xa, những người đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.

“Nước mắt đã chảy tự bao giờ”

Trở về đất liền đã được vài ngày, đã quay lại công việc bộn bề của một bác sĩ nhi khoa, nhưng với Tiến sĩ Phạm Thu Hiền, Trưởng phòng Tổ chức Cán Bộ Bệnh viện Nhi Trung ương, dấu ấn Trường Sa như vẫn còn vẹn nguyên. Chị Hiền kể: “Đoàn công tác gồm rất nhiều cơ quan, ban ngành trong đó có hơn 30 bác sĩ đến từ các bệnh viện. Nghe các chiến sĩ hải quân giải thích tháng 5 là mùa trời yên, biển lặng, thời tiết đặc biệt thuận lợi cho việc đi biển, ai cũng háo hức mong sớm được lên tàu. Nhưng sau vài  giờ đồng hồ lắc lư bồng bềnh theo nhịp sóng, những háo hức ban đầu đã nhường chỗ cho cảm giác chếnh choáng kéo dài mấy ngày liền. ‘Phái yếu’ liêu xiêu đã đành, ‘phái mạnh’ cũng lao đao chẳng kém”

  Bác sĩ Hiền  cùng các chiến sĩ 

Đoàn đã tới thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ làm việc tại trạm khí tượng, trường học, bệnh xá; tặng quà các chiến sĩ và các hộ dân đang sinh sống trên các đảo của Trường Sa. Tại điểm dừng chân nào đoàn cũng tổ chức giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi, thắt chặt tình cảm giữa quân và dân, giữa hải đảo và đất liền. Những cái tên lần đầu được nghe nay đã trở nên thân thương, gần gũi lạ thường: Đá Lớn A, Đá Lớn C, Đảo Nam Yết, Đảo Sơn Ca, Đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đảo Phan Vinh A, Phan Vinh B và Đá Tây A, đảo Trường Sa lớn…..

Cán bộ chiến sĩ trên đảo đa phần đều rất trẻ. Nắng gió Trường Sa làm cho con người nơi này gầy nhưng rắn rỏi. Nhiều đồng chí đuổi đời mới 19-20, chỉ bằng tuổi con mình ở nhà và quanh năm chỉ làm bạn với sóng vỗ, bão táp, cát sỏi. Có bạn nhìn thấy đoàn cán bộ thì tâm sự  “Đón các cô chú vào cháu nhớ nhà lắm”. Chỉ cần nghe câu nói ấy thôi là nước mắt chúng tôi đã chảy tự bao giờ” – người mẹ có hai con tâm sự.

“Tổ quốc nhìn từ biển đảo”

Khác với cảm xúc nồng nàn có phần ‘ướt át’ của nữ bác sĩ – người mẹ, tình yêu Tổ quốc trong bạn đồng hành của chị, nam bác sĩ Tạ Anh Tuấn-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, có vẻ rắn rỏi hơn. Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Có dịp tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, trải qua quá trình đi lênh đênh 10 ngày trên biển, sinh hoạt trên tàu, tận mắt chứng kiến các địa danh của Trường Sa, tôi thấy yêu Quê hương hơn và  cảm nhận rõ lãnh hải Tổ quốc rộng lớn, quý giá biết nhường nào. Giờ tôi mới thực sự hiểu thế nào là “Tổ quốc nhìn từ biển đảo’”.

Bác sĩ Tuấn thăm khám cho một chiến sĩ hải quân 

Tại Trường Sa, hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của Huyện đảo”, bên cạnh việc thăm hỏi các chiến sĩ và hộ dân, đoàn công tác đã làm lễ dâng hương tại Tượng đài Liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Chùa Trường Sa Lớn. Xúc động hơn cả là khoảnh khắc dâng hương tại nhà giàn DK1/21, tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. “Chúng tôi thực sự xúc động. Mỗi dải đất chúng tôi đặt chân qua đều thấm đẫm sự hy sinh của các chiến sĩ. Rất nhiều người trong họ hình hài vẫn nằm lại nơi biển sâu”– bác sĩ Tuấn bồi hồi chia sẻ.

 Tặng quà cho các chiến sĩ 

“Tổ quốc nhìn từ biển đảo” trong con mắt của thành viên thứ ba, điều dưỡng Đỗ Quang Vỹ-khoa Cấp cứu chống độc, lại ngập tràn sắc xanh  của sự sống và tình yêu. Xanh vời vợi của bầu trời. Xanh thăm thẳm của biển lớn. Xanh man mát của những vườn rau được các chiến sĩ vun trồng, chăm sóc. Xanh rì rào của những khóm cây, khóm hoa trước chiến hào. Và trên tất cả là màu xanh yêu thương nơi ánh mắt trong veo của những người lính tré. “Nhìn vào ánh mắt họ, bạn cảm nhận được sự tinh khiết đến lạ lùng của niềm tin và hy vọng. Chẳng có chỗ cho những than phiền về khó khăn bộn bề của cuộc sống nơi đảo xa” – anh Vỹ hồ hởi tâm sự.

“Tổ quốc nhìn từ biển đảo” tràn ngập sắc xanh của hy vọng 

“Là công dân Việt Nam, hãy một lần đến với Trường Sa!”

Đều đã hàng chục năm  dốc lòng cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, rất nhiều những trải nghiệm khắc nghiệt trước làn ranh sống-chết của người bệnh đã không thể làm chai sạn trái tim của những người thầy thuốc như bác sĩ Hiền, bác sĩ Tuấn, điều dưỡng Vỹ. Đến với Trường Sa, họ đã sống trong ngập tràn yêu thương và hạnh phúc  như những đứa con bé bỏng trở về trong vòng tay của Đất Mẹ. Những xúc cảm hướng về Tổ quốc  nhuộm cùng cái  nắng, cái gió và tình cảm nồng đượm của con người nơi biển đảo, trở thành suối nguồn yêu thương trong trái tim những người thầy thuốc. “Bao nhiêu lời chúng tôi nói cũng không diễn đạt  hết cảm xúc đong đầy. Sau chuyến đi này, đối với chúng tôi, khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền đã trở nên ngắn lại” – bác sĩ Hiền bộc bạch.

Là công dân Việt Nam, hãy một lần đến với Trường Sa!”, đó là lời nhắn nhủ thiết tha những người thầy thuốc muốn gửi tới bạn và tôi.

Lê Mai

Ảnh: Bs cung cấp

Chuyên mục: Công tác xã hội, Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em