Trang chủ » Công tác xã hội » Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức tập huấn “Sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ” cho cán bộ công tác xã hội

Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức tập huấn “Sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ” cho cán bộ công tác xã hội

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức tập huấn "Sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ" cho các cán bộ làm công tác xã hội của Bệnh viện. Mục đích của lớp học là giúp nâng cao năng lực can thiệp với trẻ tự kỷ nhằm nâng cao chất lượng điều trị chăm sóc trẻ tự kỷ tại bệnh viện

Hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế được Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức theo dự án  hoạt động Công tác xã hội trong trợ giúp trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ do phòng Công tác xã hội phối hợp với khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức. Giảng viên của lớp học là các cán bộ y tế thuộc Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương với rất nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ mắc tự kỷ.

Khóa học thu hút sự tham gia của hơn 40 cán bộ y tế, là những cán bộ đang phụ trách lĩnh vực CTXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các học viên theo học lĩnh vực tâm lý lâm sàng, các học viên đang theo học ngành CTXH tại các trường đại học trong địa bàn Hà Nội.

Trong buổi học, bên cạnh việc trang bị lý thuyết, các giảng viên cũng tích cực đưa ra tình huống thông qua các video, hình ảnh và minh hoạ trực tiếp  để học viên đánh giá và thực hành. Bởi, điều trị – phục hồi chức năng cho trẻ mắc tự kỷ là một lĩnh vực mới mang đầy thách thức đối với các cán bộ CTXH.Chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần phối hợp nhiều biện pháp như: Trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp; Hoạt động trị liệu; Phương pháp chơi trị liệu, Điện kích thích phát âm; Sử dụng thuốc khi cần thiết;… Ngoài ra, sự kiên trì từ cha mẹ và nhà trường, kết hợp với nỗ lực từ phía y bác sĩ là vấn đề cốt lõi giúp tình trạng của trẻ tốt lên từng ngày.

Lớp tập huấn chỉ diễn ra trong 1 thời gian ngắn, nhưng các cán bộ làm CTXH đã thu nhận được những kiến thức thiết thực, các kỹ năng thực hành trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và và tư vấn với gia đình trẻ mắc tự kỷ.

Với việc mở rộng mạng lưới cán bộ y tế trong hỗ trợ chăm sóc, điều trị trẻ tự kỷ là một trong những kế hoạch nâng cao năng lực chuyên môn đối với các cán bộ y tế làm Công tác xã hội tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thông qua hình thức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng đến việc kiện toàn quy trình chăm sóc và điều trị cho trẻ tự kỷ để không những bệnh nhi được chăm sóc, điều trị mà ngay cả thân nhân người bệnh cũng được chia sẻ nhằm giảm bớt những gánh nặng về tâm lý trong chặng đường đương đầu với chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ.

Theo Th.S BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần: Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển về tâm thần kéo dài suốt cuộc đời. Trẻ mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

─ Tự kỷ là rối loạn về phát triển hành vi có thể làm ảnh hưởng đến các kỹ năng cơ bản của trẻ như kỹ năng giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng học tập, sinh hoạt. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh. Thế giới của trẻ tự kỷ khác biệt so với những trẻ bình thường khác.

─ Trẻ em phát triển theo những nhịp độ khác nhau, có thể nhanh hay chậm. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm các dấu hiệu chậm trễ phát triển, hoặc phát triển bất thường là rất quan trọng, giúp hướng tới chẩn đoán sớm, can thiệp sớm, từ đó đạt hiệu quả tốt hơn trong can thiệp. Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết về các dấu hiệu nguy cơ, báo động về tự kỷ như sau:

  • Trẻ không bi bô được âm tiết nào hoặc không tạo được điệu bộ nào. Chẳng hạn trẻ không thể dùng tay chỉ hoặc vẫy tay trêu đùa mặc dù hơn 12 tháng tuổi.
  • Trẻ không tự nói được cụm từ 2 từ trở lên khi được 24 tháng tuổi.
  • Trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc bất kỳ kỹ năng xã hội
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng và thích thu mình trong thế giới riêng, ít chơi hoặc quan tâm tới các trẻ khác cùng lứa.
  • Thích chơi với một vài đồ vật nào đó, ngắm nghía quan sát hình dạng, màu sắc của chúng nhưng không quan tâm đến công dụng của những đồ vật này.
  • Không có trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, học tập.
  • Không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và môi trường xung quanh, bắt mọi người phải tuân theo một nếp sinh hoạt nhất định.
  • Luôn lặp đi lặp lại một cử động cơ thể hoặc một hành vi nhất định nào đó như vỗ tay hay đi kiễng chân.
  • Trong trường hợp cha mẹ nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường như trên, hãy đưa trẻ đến ngay những cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và có hướng điều trị, can thiệp kịp thời và tốt nhất.

Hình 1: Lớp tập huấn kiến thức về trẻ tự kỷ cho cán bộ Công tác xã hội và các học viên được thu hút đông đảo

Hình 2: Th.S BSCK II Ngọc Hồi giảng bài tại buổi tập huấn
về các kiến thức nhận biết trẻ tự kỷ

Hình 3: Th.S Tâm lý Hồng Thuý thực hành các kỹ năng việc dạy trẻ tự kỷ
thông qua các trò chơi tương tác

Chuyên mục: Công tác xã hội

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em