Nếu như đối với các trẻ khác, dậy thì là giai đoạn bản thân trẻ tích luỹ nhanh và mạnh các kinh nghiệm, kỹ năng sống, khả năng tư duy, phân tích những tình huống của trẻ ngày một phát triển, thì đối với trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, giai đoạn dậy thì của trẻ là lúc mà cha mẹ, người chăm sóc và những người lớn xung quanh trẻ là cần học, tìm hiểu và trang bị kiến thức để đối phó với những thay đổi sinh lý của con/em mình
Những thông tin trên nằm trong phần mở đầu buổi tập huấn nâng cao năng lực can thiệp với trẻ tự kỷ dành cho các cán bộ làm CTXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong can thiệp trẻ em tự kỷ, Th.S Tâm lý Đỗ Minh Thuý Liên – khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, giảng viên của lớp học, chia sẻ: “theo nghiên cứu của Eileen Crehan, Đại học Tufts, Medford, Massachusetts, Hoa kỳ, những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có nhu cầu thông tin về xu hướng tình dục và bản dạng giới lớn hơn những người bình thường”
Rối loạn phát triển lan toả khiến trẻ tự kỷ mắc khiếm khuyết trong tương tác xã hội, ngôn ngữ và hành vi. Trẻ rất khó khăn trong việc điều chỉnh cảm nhận của bản thân, biểu đạt mong muốn của mình với những người xung quanh và luôn cảm nhận sự quá tải về các tác động từ bên ngoài. Với những trở ngại này, khi bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ tự kỷ dễ trở thành nạn nhân bị lạm dụng tình dục do không có khả năng tự bảo vệ bản thân, không có khả năng phản ứng phản kháng lại các tác động gây hại đến cơ thể mình. Với các nạn nhân của lạm dụng tình dục, lạm dụng tình dục gây nên những hệ quả cả về thể chất và tâm lý. Về thể chất, nạn nhân nữ có thể mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, đau dạ dày, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Về tinh thần, nạn nhân của lạm dụng tình dục có thể phải chịu gánh nặng về tâm lý cả cuộc đời.
Ở độ tuổi dậy thì, cũng giống như các trẻ em bình thường khác, trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ có sự thay đổi lớn về thể chất: con trai mọc lông, vỡ giọng, gân cơ khớp phát triển, cao lớn và chân tay dài ra, mọc râu-ria mép, bộ phận sinh dục lớn lên, xuất tinh hoặc mông ướt. Các bạn gái có sự tăng kích thước vùng ngực, bụng, hông, xuất hiện vùng mỡ dưới da nhiều hơn, lông xuất hiện ở vùng kín, xuất hiện kinh nguyệt hàng tháng…Trong giai đoạn này, cơ thể của các trẻ em tự kỷ phát triển với tốc độ nhanh và mạnh, đạt đến cấu trúc cơ thể giống của người trưởng thành.
Trái với tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ về mặt thể chất, trong giai đoạn dâỵ thì này, trẻ được chânr đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ trải qua một thời kỳ được coi là “ bão tố và căng thẳng” về thần kinh. Do hệ thần kinh tăng cường hormone Cortisol gây căng thẳng từ tuyến thượng thận, trẻ trong giai đoạn này trở nên dễ tổn thương và mất kiểm soát về hành vi. Đây thực sự là một quá trình khó khăn đối với ngay cả đứa trẻ bình thường. Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ với đặc trưng là khiếm khuyết về giao tiếp thì quá trình này diễn ra càng khó khăn hơn rất nhiều lần.
Cũng như các trẻ khác, trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ cũng có những cảm xúc với các bạn khác giới. Trẻ đặt tầm quan trọng vào mối quan hệ đồng đẳng và phát triển mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, do bị quá tải bởi sự phức tạp về thay đổi sinh lý, các nhu cầu và năng lực xã hội của trẻ rối loạn phổ tự kỷ vốn đã hạn chế lại càng hạn chế hơn. Trẻ cảm nhận về cô đơn, thu mình trong xã hội và trở nên trầm cảm. Với sự kích thích gia tăng, trẻ dễ tăng nguy cơ và dễ bị tổn thương.
Các nhà khoa học đã chỉ ra, trẻ trong giai đoạn này tăng các lo âu xã hội và tự nhận thức được khiếm khuyết của bản thân. 84% trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ trong giai đoạn này bị suy giảm trong các hoạt động thường ngày. Nhiều trẻ xuất hiện các lo âu đi kèm và trở nên bồn chồn, khó ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ.
Khiếm khuyết về các kỹ năng xã hôị, trẻ tự kỷ cần sự đồng hành của cha mẹ, người lớn, người chăm sóc như một chiếc cầu nối giữa trẻ với thế giới bên ngoài. Chính vì điều này, để cuộc sống của trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ bớt đi áp lực, việc đầu tiên người lớn cần làm, là không có thái độ kỳ thị đối với trẻ. Trong hành trình phát triển và hoà nhập cộng đồng, trẻ tự kỷ cần lắm được đối xử với một tình yêu thương bình đẳng như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng với sự kiên nhẫn gấp nhiều lần những đứa trẻ khác.