Khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội chính là những rào cản lớn khiến trẻ tự kỷ không thể truyền đạt mong muốn của mình với người khác hoặc không hiểu hết những điều diễn ra xung quanh. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô cũng không dễ để nắm bắt hết mong muốn của trẻ, vì vậy trẻ có thể luôn ở trong trạng thái bất an, lo sợ. Trẻ tự kỷ rất cần được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và giúp đỡ để cảm thấy yên tâm hơn. Với trẻ tự kỷ, tình yêu thương, sự thấu hiểu của mọi người là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ sớm hoà nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn
1. Vẫn còn những quan niệm sai lầm
- Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh thường khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Rối loạn này có thể xảy ra ở một trẻ trong gia đình, còn trẻ khác thì không sao hoặc có biểu hiện rõ ràng ở trẻ này nhưng lại khó có thể phát hiện ra ở trẻ khác.
- Hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận thức đúng về tự kỷ, đổ lỗi cho việc nuôi dạy của gia đình khiến trẻ bị tự kỷ như: Cho trẻ xem tivi quá nhiều; cha mẹ không chịu chơi, giao tiếp với con, nên con bị tự kỷ. Có những gia đình thì đổ tội cho việc tiêm vaccine hoặc sau một cơn sốt nên trẻ như vậy; có người còn cho rằng một cơn sang chấn tâm lý sau một cuộc khủng hoảng trong gia đình khiến trẻ thu mình lại rồi dẫn đến tự kỷ… Những quan niệm này đã được chứng minh là hoàn toàn sai lầm.
2. Hiểu đúng và đồng hành cùng trẻ tự kỷ
- Gia đình và xã hội cũng cần có cái nhìn đúng về bệnh tự kỷ. Khi phát hiện trẻ mắc tự kỷ, không nên tạo áp lực cho trẻ, cũng không nên bạo hành, ngược đãi trẻ. Điều tốt nhất nên làm đó là nhanh chóng đưa trẻ đến gặp các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn và có một môi trường giáo dục chuyên biệt để trẻ được chăm sóc một cách khoa học.
- Đồng thời cha mẹ cần luôn đồng hành, dẫn dắt, giúp những điều vô nghĩa của con thành có ý nghĩa, giúp con gọi tên cảm xúc; lắng nghe và cho con có thời gian được giải tỏa các năng lượng tiêu cực, biến các hoạt động chơi của con thành cơ hội giáo dục. Dần dần giúp con cải thiện từng kỹ năng giao tiếp, xã hội cần thiết, để trẻ có cơ hội phát triển trong tương lai.
3. Hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỷ
3.1. Hoạt động tăng cường kỹ năng chú ý
- Bố trí môi trường để tránh sự xao nhãng: không có quá nhiều đồ chơi trước mặt hoặc trong tầm với, sắp xếp đồ chơi đồ dùng hợp lý, trong phòng không tiếng ồn, không gian không quá rộng, bàn ghế phù hợp cho việc học cá nhân;
- Tập cho trẻ ngồi, mặt đối mặt, ngang tầm mắt, gọi tên trẻ trong mỗi hoạt động;
- Thu hút sự chú ý thông qua thị giác;
- Đợi cho đến khi nhận thấy trẻ đã nhìn hoặc nghe thấy mới tiếp tục hoạt động khác.
3.2. Hoạt động tăng cường kỹ năng chơi và bắt chước
- Bắt chước cách chơi đồ chơi lắp ghép, sắp xếp, hoặc hoạt động sử dụng với đồ vật đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày;
- Bắt chước nét mặt, biểu cảm, động tác môi miệng, âm thanh, ví dụ như tặc lưỡi, liếm môi, chu môi, bạnh môi, cau mày, mặt xấu…
- Bắt chước âm thanh: khà, ú òa, măm, hắt xì, bập bập, baba, ò o, cạc cạc…sử dụng những trò chơi liên quan đến môi miệng, nét mặt để dạy trẻ bắt chước âm thanh một cách tự nhiên nhất, không nên bắt ép trẻ. Khi trẻ có âm thanh nào ta nên đáp ứng âm thanh đó hoặc bắt chước lại;
- Bắt chước bài hát nhịp điệu và động tác theo bài hát;
- Bắt chước chơi giả vờ với búp bê hoặc gấu bông: rót nước uống, xúc bằng thìa, vệ sinh, cắt hoa quả, khám bệnh, đi ô tô…
3.3. Hoạt động giúp tăng cường việc hiểu lời nói
- Gọi tên con trước khi nói với con để nhắc con cần nghe;
- Tránh phát âm rời rạc như: “Mẹ…của…con” mà nên nói rõ ràng, dứt khoát với con;
- Chỉ dùng các từ quan trọng nhất, đơn giản, chỉ đưa ra từng chỉ dẫn một;
- Cho trẻ đủ thời gian hơn để trẻ xử lý được thông tin bạn nói;
- Sử dụng các phương tiện thị giác để giúp trẻ trẻ hiểu rõ hơn như đồ vật, biểu tượng ( đồ chơi mô phỏng), tranh ảnh, cử chỉ….
- Hãy nói với con các câu khẳng định để bảo con làm điều gì đó. Đừng nói câu phủ định để bảo con không làm điều gì đó;
- Dùng từ “tiếp theo”, “sau đó” để giúp con hiểu sự việc theo thứ tự. Dùng các từ “kết thúc”, “xong rồi”,…để con hiểu sự kéo dài công việc trong một khoảng thời gian và lúc nào là hoàn thành công việc;
- Nói các việc theo đúng trật tự việc đó sẽ diễn ra.
3.4. Hoạt động tăng cường luyện phát âm
- Kéo căng cơ môi bằng cách bạnh mồm;
- Tập liếm môi (có thể bôi mật ong lên môi), tập mút kẹo…
- Tập thổi bong bóng, bóng xà phòng, thổi còi, thổi tắt nến,…
- Tập tặc lưỡi, bập môi (tiếng gọi chó, gọi gà…), phun mưa, rung môi;
- Tập ăn thức ăn cứng, tập cắn, tập nhai;
- Tập phát âm các nguyên âm, phụ âm, từ dễ, gắn liền với đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể;
- Nếu đã nói được một từ thì tìm những nhóm từ giống nhau để tập phát âm.