Bác sĩ chỉ cách phát hiện và điều trị bệnh lõm ngực bẩm sinh ở trẻ
13/06/2017
Nhiều bố mẹ chủ quan với những vết lõm trên ngực con mà không nghĩ rằng nó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm.
Em Trần.T.T.T. (14 tuổi) ở Thái Bình vừa trải qua ca phẫu thuật lõm ngực. Theo như chị Nguyễn Thị Phương – mẹ em T. cho biết, chị thấy con có vết lõm ngực sâu, hay kêu khó thở nên nhân dịp nghỉ hè đã đưa bé đến bệnh viện khám.
“Khi cháu 8-9 tuổi, tôi thấy cháu phát triển bình thường, ngực chưa có nên chưa thấy vết lõm sâu. Sau một vài tuổi, tôi thấy con có vết lõm nhưng không nghĩ gì vì không biết tới bệnh lõm ngực.
Mãi vào năm ngoái tôi có đọc được bài viết về bệnh này và nhìn thấy hình ảnh, tôi thấy con có vết lõm giống trong ảnh. Năm nay, khi con kêu khó thở, tức ngực, tôi đã nhanh chóng cho cháu đi đến bệnh viện khám. Trước đó, tôi cảm thấy xương cháu càng lớn càng phát triển nhưng xương ức lại không phát triển”, chị Phương chia sẻ.
Chị cũng cho biết thêm ca phẫu thuật của em T. kéo dài từ 8h-10h ngày 6/6. Em đã tỉnh dậy sau đó và ăn được như bình thường.
Lõm ngực hay còn gọi lõm xương ức là một trong những dị tật bẩm sinh. Đây là hình ảnh bệnh nhân trước khi điều trị bệnh lõm ngực.
Bác sĩ Nguyễn Văn Linh – Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa – Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, thời điểm hè này, bệnh viện sẽ tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến phẫu thuật lõm xương ức hơn bởi đây là thời điểm các con được nghỉ hè.
“Bệnh nhân đến mổ lõm ngực gần như quanh năm nhưng đặc biệt mùa hè nhiều bệnh nhân hơn. Trước đây trẻ bị lõm ngực phát hiện rất muộn bởi vậy thường mổ ở trẻ lớn từ 9-10 tuổi. Ở bệnh viện, trường hợp mổ muộn nhất là 18 tuổi”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Linh đang thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Linh cũng cho biết thêm, hiện nay, hầu hết bố mẹ đưa trẻ đến khám khi trẻ lộ rõ vết lõm sâu ở ngực, mặc dù trước đó bố mẹ đã nhìn thấy nhưng lại cho rằng do con gầy mà không đưa con đi khám.
“Thường khi trẻ đến tuổi dậy thì vùng xương ức không phát triển nữa mới thấy vết lõm rõ hẳn. Do bệnh không ảnh hưởng gì về hô hấp, ngoại trừ trẻ bị viêm phổi diễn biến sẽ nặng hơn bình thường nên nhiều bậc phụ huynh chủ quan.
Trường hợp nặng nhất mà tôi gặp phải là bệnh nhân vừa cong vẹo cột sống, vừa lõm lệch cộng thêm lớn tuổi. Cũng do độ tuổi lớn mà khoảng cách giữa màng tim và xương ức dính chặt hơn nên việc nâng ngực gặp khó khăn. Và biến chứng nặng nhất của bệnh gặp phải ở trong nước và trên thế giới là tổn thương tim ở các mức độ”, bác sĩ Linh cho biết.
Để giúp mọi người hiểu hơn về bệnh lõm ngực bẩm sinh, dưới đây bác sĩ Nguyễn Văn Linh sẽ chia sẻ rõ hơn về bệnh, nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh.
Bệnh lõm ngực bẩm sinh
Phân tích
Nguyên nhân
– Lõm ngực hay còn gọi lõm xương ức là một trong những dị tật bẩm sinh.
– Trường hợp lõm ngực không phải là bẩm sinh rất hiếm, thường gặp phải sau mổ tim hở.
Thể lõm ngực
– Thể lõm đơn thuần, tức là lõm xương ức cân đối, chỉ lõm phần dưới cùng của xương ức.
– Thể lõm không cân đối, tức là lõm lệch, chỉ lõm một bên, không lõm đều cả 2 bên.
– Thể nửa lồi nửa lõm, tức là thông thường phần trên của xương ức sẽ lồi ra và phần dưới xương ức lõm lại.
Cách phẫu thuật từng thể lõm ngực
Về cơ bản 3 loại phẫu thuật giống nhau.
– Lõm cân đối chỉ cần uốn thanh cân đối.
– Lõm lệch: việc uốn đòi hỏi khó hơn, đưa ra chỉnh vào để 2 bên cân đối, nâng lên đều nhau.
Nếu nâng không cân sẽ khiến ngực xấu. Đối với trẻ lõm lệch điều trị sớm sẽ tốt hơn bởi xương mềm khi nâng sẽ dễ dàng. Ngoài ra, vấn đề cong vẹo cột sống bị hạn chế tối đa.
Biểu hiện bệnh
– Những trường hợp lõm sâu sẽ thấy ngay vết lõm ở ngực.
– Một số trường hợp thấy vết lõm ngay sau sinh.
– Một số trường hợp lớn lên mới bắt đầu biểu hiện lộ vết lõm ra, tức là càng ngày càng nặng hơn.
Hậu quả
– Ảnh hưởng thẩm mỹ
– Vẹo cột sống: bởi khi lõm lệch sang một bên, cột sống sẽ cong về bên kia bù trừ.
– Ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Lõm nặng quá, hô hấp sẽ kém hơn vì lồng ngực không giãn nở đủ tốt, không đủ thể tích cho phổi nở trao đổi oxy.
– Lâu dài vết lõm chèn ép vào tim sẽ gây hở van tim.
Độ tuổi nên khám
– Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường ở ngực nên đưa đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Khi nào cần phẫu thuật
Bệnh cần được phẫu thuật khi chỉ số lồng ngực trên 3,25 (tức là chỉ số Haller đánh giá chiều trước – sau của lồng ngực). Điều này dựa trên film chụp CT để đánh giá.
Độ tuổi phẫu thuật tốt nhất
– Lứa tuổi phù hợp nhất để phẫu thuật là trẻ trên 3 tuổi vì ở giai đoạn này việc mổ thuận lợi cho gây mê, phẫu thuật viên, cho cả trẻ.
Hình ảnh trước và sau khi bệnh nhân mổ nội soi lõm ngực.
Trường phái của Mỹ
Trường phái của Hàn Quốc
Độ tuổi
-Trẻ ở lứa tuổi dậy thì xong
-Trẻ từ 3 tuổi trở lên
Ưu điểm
– Đạt được tính thẩm mỹ cao
– Hầu hết trẻ ở lứa tuổi đó đều không ảnh hưởng đến hô hấp.
– Sau phẫu thuật, chiều trước sau của lồng ngực rộng hơn.
– Lồng ngực tròn đều không bị tạo thành lồng ngực dẹt.
– Làm tăng hô hấp trong lồng ngực.
– Hình thể đẹp, cân đối
– Khi mổ ở trẻ trên 3 tuổi mức độ đau sẽ giảm hơn
Nhược điểm
– Sau phẫu thuật, chiều trước sau của lồng ngực (tức là từ cột sống cho đến xương ức) sẽ bị dẹt.
– Đối tượng lớn, xương sẽ bị canxi hóa nhiều, khi mổ đau nhiều hơn.
Phục hồi sau phẫu thuật
– Phương của Ravitch mổ mở (cũ), cắt dọc sụn sườn 2 bên, xương ức sẽ nâng lên được một phần nhưng có thể khiến bệnh nhân phải chịu đau dài, thời gian phục hồi lâu.
– Phương pháp mổ nội soi (hiện tại) đặt thanh nâng ngực vào để nâng lên, dễ thực hiện, tính thẩm mỹ cao, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, bệnh nhân không chịu những vết rạch cắt lớn và không phải cắt xương.
Bệnh nhân sau 4-5 ngày có thể ra viện, lâu thì 1 tuần.
Bình phục hoàn toàn
Sau phẫu thuật khoảng 1-2 tuần. Trường hợp vết lõm lớn, đau lâu (hiếm gặp) khoảng 1 tháng.
Tháo thanh nâng ngực
Thanh nâng ngực thường để từ 2-3 năm, tùy lứa tuổi.
– Đối với trẻ dưới 5 tuổi thường để thanh nâng ngực từ 2,5 – 3 năm.
– Trẻ lớn, xương cốt hóa nhanh thường để 2 năm.
Biến chứng
Những biến chứng có thể gặp phải:
– Thanh nâng ngực bị xoay
– Trong quá trình phẫu tích để tách giữa tim với xương ức đưa thanh nâng ngực vào có thể bị rách ở tim (tức là rách màng nhĩ, rách màng tim và một số trường hợp có thể bị chảy máu).
Đối với rách màng tim thì nhẹ nhàng nhưng rách vào tâm thất hoặc tâm nhĩ thì phẫu thuật rất nặng nề, phải mở ngực cấp cứu và phẫu thuật khó khăn.
Lời khuyên
– Bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để tư vấn, theo dõi. Nhiều trường hợp bị lẫn trong trường hợp viêm phổi lặp lại.
– Mổ lõm ngực cần đúng lứa tuổi, không nên mổ sớm quá bởi đa số với trẻ nhỏ lõm ngực không ảnh hưởng nhiều.