Thận đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Thận khỏe mạnh sẽ giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa, độc tố từ máu, kiểm soát huyết áp và cân bằng điện giải, kiềm toan. Suy thận mạn là một bệnh thầm lặng, biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy từng người, có thể gây mỏi mệt, chán ăn hoặc phù toàn thân, khó thở, buồn nôn, sụt cân, khó ngủ, chuột rút, ngứa. Bệnh có thể nhầm lẫn sang bệnh khác nên khi phát hiện thường bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Hiện có 3 phương pháp điều trị thay thế thận, lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo chu kỳ, ghép thận. Thận nhân tạo chu kỳ là một phương pháp thường được sử dụng cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Trước khi bắt đầu thận nhân tạo chu kỳ bệnh nhân thường được trải qua một cuộc phẫu thuật tạo cầu nối thông động tĩnh mạnh tự thân gọi là cầu nối AVF, ưu điểm của cầu nối AVF là thường bền hơn, có thể dùng trong nhiều năm, ít có khả năng bị nhiễm trùng hoặc đông máu, ít có nguy cơ bị hẹp và tắc để cung cấp lưu lượng và tốc độ máu tốt cho quá trình chạy thận. Nhược điểm của cầu nối AVF cần thời gian để phát triển để kích thước cần thiết mới có thể bắt đầu sử dụng được, cầu nối AVF có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân thận nhân tạo, vì vậy nhân viên y tế và bệnh nhân cần biết cách chăm sóc và bảo vệ cầu tay của bệnh nhân để cầu tay có thể sử dụng được lâu dài cho chạy thận. Nếu cầu tay không được hoạt động tốt thì chất lượng điều trị lọc máu sẽ bị suy giảm.
Chăm sóc cầu tay chạy thận nhân tạo (AVF) như thế nào?
Hàng ngày nhân viên y tế sẽ kiểm tra cầu tay xem cầu tay có hoạt động tốt hay không:
- Hàng ngày quan sát vị trí đặt cầu tay xem có (sưng, nóng, đỏ, đau) phồng rộp, chảy máu.
- Nghe: Dùng ống nghe kiểm tra xem có tiếng thổi “phù phù”.
- Sờ : Đặt nhẹ ngón tay của mình lên cầu tay sẽ cảm nhận được độ rung nhẹ như “làn sóng chuyển động”. Nếu thấy tiếng thổi hoặc mức độ rung ở cầu nối AVF bị mất hoặc thay đổi điều dưỡng phải ngay lập tức báo cho bác sĩ điều trị về tình trạng hiện tại của cầu tay.
Vệ sinh như nào để phòng tránh nhiễm trùng cầu tay (AVF)
1. Về phía nhân viên y tế
- Vệ sinh tay đúng đủ 6 bước.
- Đeo găng tay chăm sóc, sát khuẩn bằng cồn 70 độ để khô và sát khuẩn lại bằng dung dịch povid 10% tại vị trí cầu tay, không chạm tay vào vị trí đã sát trùng.
- Điều dưỡng không được tiêm truyền tại tay có cầu nối (AVF).
- Đi kim đúng vào vị trí cầu nối, cố định bằng băng dính.
- Gắp 1 miếng gạc vô khuẩn để lên vị trí cầu nối trong quá trình lọc máu.
2. Về phía người bệnh
- Sau mổ bệnh nhân cần theo dõi sát vị trí mổ xem có chảy máu không, sưng nề không, sau 1 tuần bệnh nhân có thể tập bóp bóng hoặc quả tạ 5kg để giúp mạch máu giãn nở, đạt được kích thước cần thiết đảm bảo cho quá trình lọc máu.
- Không vác đồ nặng.
- Không đo huyết áp ở cánh tay có cầu nối (AVF) vì rất dễ gây hỏng đường mạch máu.
- Sát khuẩn tay nhanh trước khi vào lọc máu.
- Không được gãi ở cầu tay vì móng tay có thể gây trầy xước dễ bị nhiễm trùng.
- Không xoa hay bôi các chất tẩy rửa lên vị trí cầu nối (AVF).
- Nếu thấy cầu tay có trầy xước, sưng thì phải báo cho nhân viên y tế.
- Đảm bảo không để vật gì tỳ đè lên cánh tay có cầu nối.
- Ngủ không được gối đầu lên tay có cầu nối (AVF).
- Trong quá trình lọc máu: Tay bên có cầu nối cần được giữ cố định không được gập khủy tay, tránh bị tuột kim hoặc kim xuyên mạch làm tổn thương mạch máu, gây phù nề vị trí đi kim.
Những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của cầu nối (AVF)
- Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như: Đái tháo đường, tăng mỡ máu, cao huyết áp, các bệnh về hệ thống….
- Bệnh nhân có cơ địa là hệ thống mạch máu nhỏ, kém phát triển, nhiều nhánh nhỏ, thành mạch yếu.
- Bệnh nhân hay bị tụt huyết áp: Dễ hình thành các cục máu đông và có nguy cơ tắc cầu nối rất cao.
ĐD. Trần Thị Thanh
Khoa Thận và Lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương