Theo các báo cáo trên thế giới, tại các đơn vị điều trị tích cực có khoảng 20 – 42% người bệnh có tổn thương biểu mô giác mạc, những tổn thương này gây nên sự đau đớn, khó chịu, thậm chí gây giảm hoặc mất thị lực cho người bệnh. Mắt có thể bị ảnh hưởng do các yếu tố như khô giác mạc quá mức, mí mắt khép không hoàn toàn và tiếp xúc với hỗ trợ hô hấp.

Chăm sóc mắt cho trẻ (ảnh minh họa)
Người bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt có nguy cơ đối mặt với các bệnh về giác, bởi các cơ chế bảo vệ mắt bình thường không còn được duy trì. Thuốc an thần và thuốc gây tê cản trở quá trình nhắm mắt. Có thể xảy ra tình trạng nhắm mắt thụ động, nhưng thường không hoàn toàn. Việc không chớp mắt làm giảm khả năng tái tạo lớp màng nước mắt, dẫn đến nguy cơ tích tụ vi sinh vật trên bề mặt nhãn cầu. Thông khí cơ học thúc đẩy ứ trệ tĩnh mạch và giữ nước, dẫn đến phù nề kết mạc. Rò rỉ mao mạch và dịch chuyển dịch liên quan đến nhiễm trùng huyết cũng gây ra phù nề kết mạc. Giác mạc tiếp xúc sẽ bị khô và các bệnh có thể phát triển.
1. Yếu tố nguy cơ
- Người bệnh được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ
- Người bệnh được thông khí cơ học (CPAP, HFNC, thở máy qua ống NKQ/ mở khí quản)
- Người bệnh bị băng mắt quá chặt/nằm sấp
- Người bệnh phù, suy tim/suy thận
- Người bệnh suy giảm miễn dịch
- Người bệnh có sử dụng steroid
2. Theo dõi mắt cho trẻ tại đơn vị điều trị tích cực
Các biến chứng mắt thường khó phát hiện sớm và dễ bỏ qua, do người bệnh không cảm nhận được tình trạng giảm thị lực hay đau mắt, bởi đã được gây mê hoặc dùng thuốc an thần. Tuy nhiên, biến chứng về mắt trong các đơn vị điều trị tích cực có thể phòng ngừa bằng việc phối hợp nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm:
- Dùng băng dán kín mi mắt: phương pháp này ưu điểm hơn so với các phương pháp khác (nhỏ mắt, kính bảo hộ, áp tròng nước mắt). Cần phải dán kín mắt hoàn toàn và thường xuyên kiểm tra trong suốt quá trình người bệnh được gây mê hoặc an thần.
- Tránh áp lực trực tiếp vào nhãn cầu do băng mắt quá chặt hoặc bị đè ép vào mắt ở người bệnh trong tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp.
- Nên đặt người bệnh ở tư thế đầu cao để giảm áp lực nội nhãn.
- Duy trì huyết động ổn định, duy trì tốt thể tích tuần hoàn, cân bằng nội môi vì ở tư thế nằm, thần kinh thị nhạy cảm với tình trạng hạ huyết áp, thiếu dịch, thiếu máu hơn não.
3. Thực hiện chăm sóc mắt cho trẻ tại đơn vị điều trị tích cực
– Điều dưỡng thực hiện đánh giá ít nhất 1 lần/ mỗi ca làm việc tất cả người bệnh thở máy có/ không sử dụng thuốc giảm đau, an thần, giãn cơ.
– 03 nội dung cần đánh giá:
1. Phân độ hở mắt
2. Viêm giác mạc: giác mạc mờ hoặc có nốt trắng
3. Viêm kết mạc: rỉ dịch và có nốt đỏ
(a) Viêm kết mạc do nhiễm khuẩn
(b) Viêm kết mạc không do nhiễm khuẩn
– Thực hiện ghi chép khi có bất thường hoặc khi có các can thiệp điều trị, chăm sóc mắt.
– Nhỏ thuốc mắt
- Kéo mí mắt dưới xuống,nhỏ/bôi một lượng nhỏ thuốc dạng lỏng/mỡ mắt vào bên trong mí mắt và đóng bằng tay khi mí mắt đóng kém để đảm bảo thuốc dạng lỏng/mỡ được trải đều trên bề mặt của mắt.
- Đảm bảo sử dụng mỗi ống thuốc khác nhau cho mỗi mắt.
- Chất bôi trơn được sử dụng phải luôn là thuốc mỡ vì chúng có tác dụng lâu hơn thuốc nhỏ mắt dạng lỏng.
- Hãy sử dụng thuốc dạng lỏng trước thuốc mỡ.
- Đợi 5 phút giữa mỗi lần nhỏ thuốc nếu cần nhỏ nhiều giọt.
– Nhắm mắt lại, có thể thực hiện việc này bằng các phương pháp sau:
- Băng mí mắt: điều này có thể gây tổn thương hoặc kích ứng mí mắt và có thể gây đau cho người bệnh nên chỉ nên thực hiện khi cần thiết. Sau khi bôi chất bôi trơn, đóng mí mắt lại, tiến hànhdán băng keo vào mí mắt và lông mi theo chiều ngang để đảm bảo khép lại.
- Màng bọc thực phẩm: dán một miếng hình vuông 10cm x 10cm lên mỗi mắt, thay mới sau mỗi lần nhỏ thuốc. Nó không gây hại nếu tiếp xúc với nhãn cầu.
- Băng/ miếng đệm Hydrogel, Hydrocolloid hoặc Silicone: sử dụng cẩn thận để tránh gây tổn thương cho mắt, sử dụng thay cho băng thông thường nếu phù nề ngăn cản việc đóng mí mắt bằng tay. Nên thay băng ít nhất một lần mỗi ca làm việc hoặc sớm hơn nếu khô (các cạnh của băng bị cong).
Hình ảnh dán mắt bằng băng dính giấy và băng hydrocolloid
– Đối với người bệnh nằm sấp
Những người bệnh này có nguy cơ tổn thương mắt cao hơn do chèn ép và sưng kết mạc (phù nề). Nên sử dụng chất bôi trơn và băng, đồng thời có thể sử dụng giá đỡ đầu 3 chốt để tránh chèn ép, như trong phẫu thuật cột sống.
Có thể ngừng thực hiện các biện pháp chăm sóc mắt trên khi người bệnh đã tỉnh, cử động mí mắt được phục hồi và được rút ống nội khí quản.
Tài liệu tham khảo
1. Hearne, B. J., Hearne, E. G., Montgomery, H., & Lightman, S. L. (2018). Eye care in the intensive care unit. Journal of the Intensive Care Society, 19(4), 345-350.
2. https://starship.org.nz/guidelines/eye-care-in-the-paediatric-intensive-care-unit-picu/
3. Sevgi, M., Monachello, E., Yates, M., Lockington, D., & Cowan, R. (2024). Improving eye care in an intensive care unit. Journal of the Intensive Care Society.
ĐD Bùi Thị Thanh Hương – Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa
ĐD Phạm Kim Thúy – Khoa Mắt