Chiều 1/4, cặp song sinh Nguy Ôn Quang A. và Nguy Ôn Quang N. (ở Yên Bái) đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã chuyển tới Bệnh viện Hữu Nghị chụp xác định phần dính nhau.
ThS. Phạm Đức Hiệp, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, kết quả chụp CT 64 dãy cho thấy, hai bé dính nhau lồng ngực và ức với diện tích dính khá rộng. Kết quả chụp CT và cộng hưởng từ, hai bé có riêng gan, đường mật, không bị dính màng tim mà chỉ dính nhau phần da, cơ xương. Những chẩn đoán hình ảnh này giúp cho các phẫu thuật viên biết được ít nhất 70 – 80% các bộ phận dính nhau để tiên lượng. Trong ca mổ, các bác sĩ có thể vừa mổ, vừa bơm thuốc cản quang chụp song song để có phương án cập nhật.
Cặp song sinh dính nhau chụp CT 64 dãy tại Bệnh viện Hữu Nghị
Trước đó, kết quả siêu âm, hai bé có hai quả tim riêng. Hai cháu cũng ăn riêng và đi ngoài riêng. Tuy nhiên, chưa biết hai cháu có dính màng tim, có chung hệ thống mạch máu hay không. Thêm nữa, lá gan, đường mật, hệ thống tiêu hóa ra sao. Nếu chỉ có một lá gan, sẽ phải chia mỗi bé một thùy gan. Như vậy, kết quả chụp CT 64 dãy đã cho kết quả chính xác hơn.
Theo TS. Bùi Đức Hậu, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện sức khỏe hai bé tốt, các cháu ăn sữa bình thường, không bị viêm phổi. Hai bé sẽ được chăm sóc để lớn thêm chút nữa mới quyết định tách.
Sau ca mổ đẻ, mẹ cháu bé A. và N. bị mất máu nhiều nên chưa xuất viện. Bà ngoại của hai em đã mất nên hiện giờ bà nội và bác gái chăm sóc hai bé. Bà nội hai bé cho hay: “Khi mẹ mang thai và siêu âm định kỳ, TS Trần Danh Cường (PGĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã phát hiện hai cháu bị dính nhau ở ngực. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến các bác sĩ, đồng thời đây là con đầu lòng nên mẹ cháu quyết định giữ lại. Đến tuần thứ 37, sản phụ sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương”. Đây là ca song sinh dính nhau thứ năm mà Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận.