Thời tiết lạnh kéo dài và hàng loạt thay đổi trong sinh hoạt, vui chơi, đi lại dịp Tết khiến nhiều trẻ nhỏ bị rối loạn hệ tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường hô hấp hay hạ thân nhiệt, phải vào viện cấp cứu...
Nhập viện do viêm phổi, hạ thân nhiệt và bệnh lý đường tiêu hóa
Đến Khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) vào ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được sự bận rộn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên trực tại đây. Ths.Bs Ngô Anh Vinh cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 80-100 bệnh nhi vào cấp cứu. Thời tiết lạnh kéo dài như những ngày qua và dự báo tiếp tục rét tăng cường vào Tết Nguyên đán là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi.
Chị Nguyễn Thị Mai (Bắc Ninh) có con bị viêm phổi đang điều trị tại đây cho biết: “Cháu vào nhập viện đã 2 ngày nhưng vẫn phải thở oxy. Mấy hôm trước cháu chỉ bị ho, sốt, đi khám chỉ là viêm phế quản nhưng chuyển biến sang viêm phổi quá nhanh. Chắc cháu còn phải nằm đây nhiều ngày mới đỡ”. Bác sĩ Vinh cho biết: “Viêm phổi ở trẻ em đặc biệt nguy hiểm, bởi bệnh gây nên tình trạng suy hô hấp rất nhanh, tiến triển nặng nề và thường phải vào cấp cứu và nhập viện”.
Bên cạnh đó, những ngày Tết một số gia đình cho trẻ đi chơi xa bằng xe máy và để trẻ ngồi trước, trùm khăn kín, xe máy phóng nhanh dẫn tới trẻ bị hạ thân nhiệt do lạnh. “Bố mẹ nên tránh cho trẻ đi chơi xa bằng xe máy do không đảm bảo kín gió, đặc biệt là năm nay nhiệt độ lạnh sâu dẫn tới nguy cơ trẻ bị cảm lạnh và hạ thân nhiệt. Do trẻ nhỏ khả năng chống lạnh rất kém, vì thế nếu trẻ bị nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt là vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong”. – bác sĩ Vinh cho hay.
Ngoài ra, một số bệnh lý về đường tiêu hóa vào ngày Tết do trẻ ăn uống không khoa học, ăn ở nhiều nơi, thức ăn không rõ nguồn gốc dẫn tới tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thức ăn cũng là điều đáng lưu ý…Theo khuyến cáo của bác sĩ, cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều, đảm bảo cho trẻ ăn thức ăn hợp vệ sinh, chọn thức ăn được chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm, ăn chín, uống sôi. Phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ, không cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt hoặc ăn nhiều các thức ăn nhiều chất béo do đường tiêu hóa của trẻ không thể hấp thu được và có thể gây ra các bệnh lý về tiêu hoá.
Tai nạn đáng tiếc do bất cẩn của cha mẹ
Cũng theo bác sĩ Vinh với kinh nghiệm nhiều năm trực Tết, bác sĩ đã chứng kiến không ít trường hợp trẻ nhập viện do lỗi bất cẩn, chủ quan của bố mẹ như chở trẻ đi chơi khi đã uống rượu – bia dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở trẻ em tăng. Hoặc các tai nạn trong sinh hoạt như dị vật hô hấp, bỏng, đuối nước, các tai nạn sang chấn do ngã, va đập do bố mẹ bận rộn, ít để ý đến con cũng rất hay gặp.
Trẻ tiếp xúc với các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt bí, mứt các loại…khi không có sự giám sát của người lớn, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi từ 2-5 tuổi rất hiếu động, tò mò, chưa ý thức được việc làm của mình và thường hay có thói quen đưa vật lạ vào miệng ngậm, có thể dẫn tới dị vật đường thở. Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể gây nên tình trạng ngạt thở và tử vong nhanh chóng nếu bố mẹ không biết cách xử trí kịp thời.
Theo bác sĩ Vinh, một loại dị vật đặc biệt nguy hiểm nữa hay gặp là sặc thạch. Đây là dị vật rất khó có thể gắp tại cơ sở y tế bởi các dụng cụ thông thường và gây nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đường thở.
Có mặt tại Khoa Cấp cứu – Chống độc trong một thời gian ngắn, chúng tôi cảm nhận được áp lực công việc của các bác sĩ ứng trực ở đây.
Trong những ngày Tết, bác sĩ trực đôi khi còn phải đối mặt với áp lực của gia đình bệnh nhân khi trẻ vào cấp cứu. Nhiều phụ huynh do trước đó uống rượu bia nên dễ bị kích động, nóng nảy, thậm chí còn gây gổ, hành hung khi bác sĩ đang làm việc. Những lúc như thế, bác sĩ càng vất vả hơn khi vừa phải điều trị cho bệnh nhân vừa phải mềm dẻo giải quyết những sự việc ngoài chuyên môn của mình.” – bác sĩ Vinh chia sẻ. Vào ngày Tết, khoa thường chỉ có từ 1-2 bác sĩ trực chính cùng 5-6 điều dưỡng nhưng lại đảm nhiệm tất cả các bệnh nhân đến khám, phân loại và xử trí cấp cứu. Vì thế, bác sĩ ở khoa cấp cứu chưa bao giờ được hưởng cái Tết trọn vẹn và đầy đủ bên gia đình, nhất là các bác sĩ quê ở xa, cơ hội được về thăm nhà lại càng hiếm hoi. Nhưng với tinh thần phục vụ người bệnh là trên hết, những bác sĩ ứng trực tại Khoa cấp cứu – Chống độc nói riêng và tất cả các khoa khác của Bệnh viện Nhi Trung ương đều chuyên tâm khám, chẩn đoán, chăm sóc bệnh nhi một cách tốt nhất. |
(Theo CAND)