Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do trực khuẩn Gram dương gây ra. Bệnh có tên gọi như vậy là do có sự xuất hiện của các mảng trắng ở vùng hầu họng (bạch là trắng, hầu là vùng hầu họng).
Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường nào?
Nguồn lây: Người là nguồn mang mầm bệnh duy nhất bao gồm người đang bị bệnh bạch hầu, người vừa khỏi bệnh và người lành mang vi khuẩn.
Đường lây: chủ yếu là lây trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh nói, ho, hắt hơi… Ngoài ra có thể lây gián tiếp qua đồ dùng của người bệnh, thức ăn, đồ chơi.
Biểu hiện của bệnh:
Biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, và mức độ lan tràn độc tố trong máu. Thể bệnh hay gặp nhất là bạch hầu họng. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau. Bao gồm các thể: Bạch hầu thể mũi, bạch hầu thể hầu họng (bạch hầu amiđan), bạch hầu thanh quản, bạch hầu ác tính, bạch hầu da.
Bệnh bạch hầu có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp nặng, viêm cơ tim, liệt dây thần kinh . .
Bệnh bạch hầu được chẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm.
Bệnh thường gặp ở trẻ từ 1 – 9 tuổi, hoặc trẻ chưa được tiêm phòng bệnh bạch hầu. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp:
Sốt nhẹ ( hiếm khi vượt quá 39°C)
– Viêm amiđan đau nhẹ/hoặc viêm họng có giả mạc với đặc điểm: màu trắng ngà, dày, khó bóc tách, lan nhanh.
– Hạch to và sưng to vùng cổ, đặc biệt nếu kết hợp với viêm họng giả mạc và dấu hiệu nhiễm độc toàn thân.
– Khàn giọng và thở co kéo, kiểu khó thở thanh quản.
Chảy dịch mũi mủ nhày lẫn máu kết hợp với màng giả ở niêm mạc.
Phòng bệnh
– Tiêm phòng: Tiêm chủng cho trẻ < 1 tuổi 3 mũi vacxin Bạch hầu – ho gà – uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Với trẻ trên 7 tuổi và người lớn nên tiêm phòng nhắc lại cách mỗi 10 năm.
– Cách ly phòng lây lan bệnh: Bệnh nhân được theo dõi điều trị và cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế. Những người thân được coi là tiếp xúc gần cần được theo dõi tối thiểu 1 tuần, cấy dịch họng tìm vi khuẩn bạch hầu và được điều trị kháng sinh dự phòng.
– Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, bệnh nhân có thể mang khuẩn một thời gian từ vài ngày cho đến 2 tuần hoặc 1 tháng. Vì vậy bệnh nhân được cách ly và xuất viện khi cấy dịch họng 3 lần âm tính cách nhau 5 – 7 ngày. Người chăm sóc trẻ mang phương tiện phòng hộ cá nhân: khẩu trang, mũ, áo, găng tay . . .Đeo khẩu trang cho trẻ và hướng dẫn trẻ che miệng khi ho, hắt hơi.
– Người lành mang trùng là nguồn lây bệnh nguy hiểm do vậy cần tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, tránh những nơi đông người, vệ sinh môi trường sống, mang khẩu trang ở những nơi công cộng.
ThS. Hồ Thị Bích – TT các bệnh nhiệt đới
Ảnh: erufucare