Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Chăm sóc trẻ phẫu thuật nạo VA, cắt amidan

Chăm sóc trẻ phẫu thuật nạo VA, cắt amidan

Nạo VA và cắt amidan là những can thiệp không mấy phức tạp, tuy nhiên phẫu thuật cho con luôn là nỗi lo lớn đối với cả gia đình. Công tác chuẩn bị tư tưởng cho cha mẹ rất quan trọng, khi phụ huynh cảm thấy tự tin về ca mổ thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn cho cả bé và người thân.

Trước phẫu thuật

1. Nguyên tắc chung

  • Trong vòng 7-10 ngày trước phẫu thuật, không cho trẻ dùng các thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Indomethacin và Naproxen, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về thời hạn cuối cùng trẻ được phép ăn hoặc uống trước khi tới viện để phẫu thuật. Sau thời điểm này tuyệt đối không cho trẻ ăn hay uống thêm gì.
  • Thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc trẻ đang dùng trong vòng 10 ngày trước phẫu thuật, cả thuốc kê theo đơn và thuốc do cha mẹ tự mua ở hiệu thuốc.
  • Chuẩn bị sẵn cặp nhiệt độ và thuốc hạ nhiệt dạng paracetamol ở nhà cho giai đoạn sau mổ.
  • Giúp bé chọn cho mình một đồ chơi yêu thích để mang theo tới bệnh viện.
  • Giúp bé thư giãn và bình tĩnh trước mổ. Cách tốt nhất để làm điều này là bản thân cha mẹ phải bình tĩnh.
  1. Chế độ ăn uống trước phẫu thuật

– Với trẻ dưới 12 tháng tuổi

  • Có thể cho bé dùng sữa công thức trước giờ hẹn của bác sĩ 6 tiếng. Ví dụ nếu bác sĩ yêu cầu bé có mặt ở bệnh viện lúc 8 giờ sáng thì cho bé dùng sữa công thức lần cuối vào 2 giờ sáng cùng ngày.
  • Có thể cho bé bú mẹ trước giờ hẹn của bác sĩ 4 tiếng. Ví dụ nếu bác sĩ hẹn có mặt ở bệnh viện lúc 8 giờ sáng thì cho bé bú lần cuối vào 4 giờ sáng cùng ngày.

– Với trẻ trên 12 tháng tuổi

  • Trẻ không được ăn uống gì kể từ 0h sáng ngày hẹn mổ. Các loại thức ăn đặc, kẹo cứng, kẹo cao su, hay các dịch không trong suốt như sữa, nước quả lẫn cùi…đều bị cấm tuyệt đối.

– Với trẻ em mọi lứa tuổi

  • Có thể cho trẻ uống nước trong suốt (nước lọc hay nước táo) khoảng 2 tiếng trước giờ phẫu thuật. Sau đó tuyệt đối không cho bé ăn hay uống thêm thứ gì.
  • Nếu trẻ phải uống thuốc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ thì cho trẻ uống thuốc cùng một chút nước lọc vào buổi sáng hôm phẫu thuật.

Lưu ý, vì sự an toàn của trẻ, cha mẹ cần nghiêm chỉnh tuân thủ các nguyên tắc chung này (trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ điều trị). Gây mê sẽ trở nên không an toàn nếu dạ dày trẻ chứa thức ăn hay đồ uống. Đôi khi, trong thời gian mổ trẻ có thể nôn và thức ăn bị nôn có thể đi vào phổi. Nếu trẻ đã ăn hoặc uống sau các mốc thời gian nói trên, bác sĩ có thể phải trì hoãn ca mổ hoặc đổi lịch mổ sang ngày khác.

Nạo V.A.

Trong ngày phẫu thuật

Nạo VA và cắt amidan có thể được thực hiện dưới gây mê hoăc gây tê tại chỗ. Ca mổ thường kéo dài 30-60 phút. Trẻ được gây mê qua mặt nạ rồi đặt nội khí quản và được theo dõi cẩn thận suốt quá trình phẫu thuật. Amidan và VA được cắt bỏ qua đường miệng nên sẽ không có vết rạch ở mặt hay ở cổ.

Sau khi hoàn thành phẫu thuật, trẻ tỉnh khỏi thuốc mê, nội khí quản được rút ra và trẻ sẽ tiếp tục được theo dõi trong phòng hậu phẫu cho tới khi đủ tỉnh táo để chuyển sang phòng bệnh thông thường hoặc có thể về nhà.

Trẻ thoát khỏi gây mê có thể có các phản ứng khác nhau. Bé có thể khóc lóc, cuống quýt hay bối rối, thấy khó chịu ở dạ dày hoặc nôn. Những phản ứng này là bình thường và sẽ qua đi khi thuốc gây mê hết tác dụng. Khi trẻ tỉnh hoàn toàn, có thể đỡ trẻ dậy đi vệ sinh. Trẻ có thể nôn chất dịch đặc màu nâu nếu đã nuốt một ít máu trong và sau phẫu thuật. Điều này là bình thường. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần báo bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho xuất viện khi trẻ uống được nước và hành xử bình thường trở lại (thường là sau 1-2 giờ).

 

Thời gian phục hồi

Nạo VA hiếm khi khiến trẻ đau đớn nhiều hoặc khó nuốt. Thường trẻ nạo VA có thể đi học trở lại sau 1-3 ngày. Cắt amidan là phẫu thuật lớn hơn, gây đau đớn và căng thẳng nhiều hơn cho cơ thể, cần khoảng 2 tuần để cơ thể phục hồi hoàn toàn và trẻ trở lại bình thường.

Những ngày đầu sau mổ 
Bé vừa trải qua phẫu thuật nạo VA và/hoặc cắt amidan. Những chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn bình tĩnh vượt qua những ngày đầu sau mổ.

Trong ngày đầu tiên sau gây mê, trẻ có thể chuếnh choáng đôi chút và có thể buồn nôn hoặc nôn do gây mê. Ngay khi có thể, hãy cho trẻ uống các loại nước trong hoặc dùng thức ăn lỏng. Cho trẻ uống nhiều nước để đề phòng tình trạng thiếu nước, vốn hay xảy ra sau mổ, rất nguy hiểm và làm tăng tình trạng đau của trẻ. Sau khi uống đồ lỏng không bị nôn thì có thể chuyển sang thức ăn đặc và dần dần chuyển về chế độ ăn bình thường.

  1. Liền thương 
  • Liền thương thường diễn ra trong vòng 10 ngày sau can thiệp. Quá trình này diễn ra từ từ và đôi khi có thể chậm lại do nhiễm trùng.
  • Vị trí amidan bị cắt bỏ trông sẽ rất kỳ lạ trong 7-10 ngày đầu. Bề mặt vết thương lúc đầu trông rất tối. Sau vài ngày, chỗ này sẽ có màu vàng hay nâu. Sau khoảng 2 tuần, lớp vảy che phủ vùng này sẽ tự bong ra. Sau thời điểm này, chế độ ăn có thể được phục hồi.
  1. Đau 
  • Trẻ nạo VA sẽ không bị đau đớn khi nuốt, trái lại trẻ cắt amidan thường thấy đau ở họng hoặc đau khi nuốt. Hãy khuyến khích trẻ thường xuyên nhấp một chút nước, dù động tác này có gây đau.
  • Trẻ thường cảm thấy khó chịu hoặc đau ở họng trong vài ngày đầu và đau nhất vào khoảng ngày thứ 5 sau cắt amidan, nước bọt có thể vấy chút máu. Sau đó cảm giác khó chịu giảm dần, rồi có thể tăng lại vào ngày thứ 7-9 sau mổ, khi một phần vảy che phủ vị trí cắt amidan bong ra. Sau đó, triệu chứng đau sẽ giảm rõ rệt.
  • Trẻ nạo VA thường cảm thấy đau hoặc cứng ở cổ (do tư thế nằm khi mổ). Triệu chứng này thường mất đi sau vài ngày. Chườm ấm, thuốc giảm đau và một số bài tập xoay vùng cổ có thể giúp cải thiện tình hình.
  • Trẻ có thể chảy nước dãi, kêu đau ở miệng, những điều này là bình thường sau phẫu thuật. Trẻ cũng thường cảm thấy đau hay khó chịu ở vùng tai trong thời gian lành bệnh. Đôi khi chứng đau này có thể rất rầm rộn. Đó thường là sự lan toả của đau từ vùng họng đang liền thương chứ không phải biểu hiện của nhiễm trùng tai. Nhai kẹo cao su hoặc cho bé ăn các thực phẩm phải nhai kỹ trước khi nuốt cũng có thể giúp bé giảm bớt triệu chứng đau này.

Các biện pháp để giảm đau:

  • Dùng các chế phẩm paracetamol. Chú ý đừng cho trẻ uống thuốc khi bụng đói vì có thể làm tăng nguy cơ buồn nôn hay nôn sau phẫu thuật. Không nên dùng ibuprofen trong vòng 2 tuần sau mổ vì thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Tẩm ướt vùng phẫu thuật bằng cách cho trẻ uống nhiều nước.
  • Đánh lạc hướng trẻ bằng các trò chơi hay các hoạt động khác.
  • Trong vòng 2 tuần sau cắt amidan, nên tránh cho trẻ dùng các thức ăn cứng có thể làm xây xước vùng phẫu thuật như bánh quy, bánh mỳ nướng, pizza, khoai tây rán…
  1. Ngủ ngáy: một số trẻ có thể xuất hiện ngủ ngáy sau phẫu thuật. Hiện tượng này có nguyên nhân là tình trạng phù nề và thường tự mất đi trong vòng tuần đầu.

  2. Thay đổi giọng:Trẻ có thể bị biến giọng tạm thời do kích thước và hình dáng của khoang miệng thay đổi sau phẫu thuật. Nếu VA quá phát mạnh thì sau mổ giọng mũi có thể tồn tại vài tuần tới vài tháng, sau đó mọi chuyện sẽ trở lại bình thường sau một thời gian.

  3. Sốt

Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc vừa. Nhiệt độ dưới 38,5 độ C thường không đáng lo ngại và sẽ tự mất đi. Nếu bé có chảy mũi nước trong (không phải mũi vàng) và vẫn ăn uống bình thường thì không có gì đáng lo ngại. Sốt nhẹ có thể là hậu quả của tình trạng thiếu nước nhẹ hay quá trình liền thương ở họng.

  1. Hơi thở có mùi

Hơi thở của bé có thể bốc mùi rất khó chịu, điều này vẫn thường gặp sau phẫu thuật và có thể kéo dài tới vài tuần. Đó là kết quả của quá trình liền thương tại vùng phẫu thuật. Họng tiết ra nhiều đờm dãi nhưng trẻ miễn cưỡng nuốt nên chất tiết thường tích tụ lại nhiều. Hiện tượng này không có gì bất thường và không đáng lo ngại. Thông thường, giữ vệ sinh răng miệng đúng cách, dùng nước muối sinh lý làm vệ sinh mũi hoặc cho bé nhai kẹo cao su, ngậm kẹo cứng có thể giúp cải thiện tình hình. Uống nhiều nước cũng làm giảm bớt triệu hơi thở có mùi.

  1. Chảy máu
  • Chảy máu tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra sau phẫu thuật nạo VA hay cắt amidan (3% trẻ cắt amidan).
  • Trong đa số trường hợp, máu chảy không nhiều nhưng đôi khi có thể trầm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
  • Có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong vòng 14 ngày đầu.
  • Nguy cơ cao nhất là trong những giờ đầu sau mổ và giữa ngày thứ 4 và thứ 8 sau mổ. Trong khoảng thời gian 4-8 ngày sau mổ, cha mẹ sẽ nhìn thấy một lớp vảy trắng hay vàng nhạt ở vùng amidan đã bị cắt. Lớp vảy này thường tự bong ra và có thể gây chảy máu đôi chút. Trẻ cũng có thể cảm thấy khó chịu ở vùng này. Chảy máu thường không đáng kể và sẽ tự cầm. Nếu máu chảy nhiều hoặc không tự cầm, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
  1. Chăm sóc miệng
  • Trẻ có thể súc miệng và đánh răng nhưng không được sục họng.
  • Dặn trẻ không dùng tay che miệng khi hắt hơi, không xì mũi trong vòng ít nhất 1 tuần sau phẫu thuật. Chỉ dùng khăn chấm nước mũi nếu chảy mũi.
  • Dùng máy phun sương làm ẩm không khí để giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Đặt máy bên cạnh giường của trẻ.
  1. Hoạt động
  • Có thể tắm rửa bình thường.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi trong vòng vài ngày đầu sau phẫu thuật, sau đó tăng dần thời lượng hoạt động thể chất. Tránh các hoạt động mạnh trong 2 tuần sau mổ. Trẻ có thể chảy máu nhẹ qua đường mũi nếu hoạt động quá sớm.
  • Trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật, trẻ dễ bị cảm lạnh hay nhiễm trùng hơn bình thường. Thời gian này nên cách ly trẻ với những người ốm trong gia đình và hạn chế khách tới thăm. Tránh đưa trẻ tới nơi đông người để khỏi lây nhiễm bệnh.

Khi nào cần liên hệ bác sĩ?

Thông thường, trẻ không cần khám lại. Tuy nhiên, nên liên hệ với bác sĩ nếu:

  • Trẻ sốt trên 39 độ C, không đáp ứng khi dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol.
  • Buồn nôn hoặc nôn nặng.
  • Đau tăng lên nhiều.
  • Bỏ uống, bỏ ăn hoàn toàn.
  • Chảy máu trầm trọng (từ miệng hoặc mũi hoặc nôn ra máu) hoặc đau họng nặng không đáp ứng với điều trị trong vòng 48 đến 72 giờ.
  • Trẻ mất giọng trong suốt 24 giờ.

BS Trần Thu Thủy 

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em