Hiện nay, số lượng trẻ em mắc Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng cao với tỷ lệ mắc toàn cầu là khoảng 1%. Để hỗ trợ các con dễ dàng hòa nhập hơn với xã hội, cha mẹ cần phối hợp tốt với y bác sĩ để thực hiện những biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả, đồng thời cha mẹ cũng cần thấu hiểu, kiên trì đồng hành lâu dài cùng trẻ trên chặng đường nhiều gian nan và thách thức.
Thế giới của trẻ tự kỷ khác biệt so với những trẻ bình thường khác
Chỉ nghĩ là con nghịch ngợm, hiếu động, chậm nói, nhiều cha mẹ đã giật mình, thậm chí là “sốc” khi được chẩn đoán con bị tự kỷ. Đồng hành cùng con trên con đường chữa bệnh, nhiều cha mẹ không giấu được nước mắt và nỗi lo lắng không biết tương lai của con sẽ như thế nào.
Tự kỷ là rối loạn về phát triển hành vi có thể làm ảnh hưởng đến các kỹ năng cơ bản của trẻ như kỹ năng giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng học tập, sinh hoạt. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh. Thế giới của trẻ tự kỷ khác biệt so với những trẻ bình thường khác.
Trẻ em rối loạn phổ tự kỷ không thể diễn đạt những nhu cầu hay mong muốn cơ bản. Trẻ không thể nói cho che mẹ mình bị đói bụng, khát nước, đau đớn một cách thông thường, mà thể hiện điều đó bằng cách thức riêng biệt như khóc lóc, ăn vạ, tự đánh mình…, và cha mẹ buộc phải hiểu rõ những điều đó để đáp ứng và giáo dục trẻ.
Các biểu hiện hành vi thách thức như tăng động, dễ mất tập trung, hành vi bột phát của trẻ cũng khiến cha mẹ phải giám sát con nhiều hơn, phòng ngừa an toàn nhiều hơn. Những đặc tính này cản trở sinh hoạt và học tập của trẻ. Hơn nữa, do trẻ không có khả năng tự chơi và chơi tuân thủ đúng quy tắc nên cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải dành thời gian cho trẻ nhiều hơn.
Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống dù nhiều khó khăn, gian nan nhưng bằng tình yêu thương và kiên trì áp dụng đúng phương pháp của cha mẹ vẫn có thể giúp trẻ tiến bộ và nâng cao chất lượng sống cho trẻ và gia đình.
Trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động giảm chú ý cần quản lý và can thiệp thế nào?
Trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động giảm chú ý có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm chức năng ở trẻ, đặc biệt là khả năng thích ứng và xã hội của trẻ tại nhà, ở trường và những nơi khác, khiến chất lượng cuộc sống giảm hơn nhiều so với trẻ không kèm tăng động, gây ra nhiều hành vi nghiêm trọng về hành vi (đặc biệt là các hành vi thách thức), học tập, cảm xúc.
“Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tự kỷ năm 2013 của Hiệp hội tâm thần Mỹ (DSM-5) cho phép chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý đồng thời với rối loạn phổ tự kỷ. Phương pháp tiếp cận này cho phép quản lý lâm sàng hiệu quả hơn đối với trẻ em, mở đường cho sự hiểu biết khoa học chính xác hơn về những điểm chung giữa 2 rối loạn này” – ThS Mai Thị Xuân Thu – Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Các chiến lược hỗ trợ các vấn đề về chú ý cho trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động giảm chú ý bao gồm:
– Sắp xếp môi trường:
- Sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, đồ vật dễ nhớ và có thể dự đoán được
- Tạo góc hoạt động tĩnh riêng, không gian vận động riêng giúp các con phân biệt được các góc chơi, làm nhiệm vụ của mình. Tránh các yếu tố xao nhãng, như: tivi, điện thoại, các âm thanh thu hút trẻ hoặc làm trẻ sợ, hạn chế mùi hương gây khó chịu.
- Sử dụng lịch trình cho hoạt động/ nhiệm vụ của con và cha mẹ cùng làm cùng con
– Sử dụng đồ chơi, hoạt động mà trẻ thích
Chiến lược hỗ trợ các vấn đề về tăng hoạt động ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ cha mẹ nên lưu ý:
– Sắp xếp môi trường:
- Chú ý đến an toàn, tránh yếu tố gây nguy hiểm cho trẻ như nước nóng, ổ điện, bếp, đồ dùng dễ vỡ, sắc nhọn,..
- Tạo không gian phù hợp cho trẻ có cơ hội vận động, không ngăn cấm
- Đồ chơi được sắp xếp gọn gàng khi không chơi nữa.
– Cho trẻ tham gia trò chơi vận động như: đuổi bắt, trò chơi với bóng, trò chơi leo trèo, đi bơi, thể thao
– Tạo các hoạt động tĩnh thư giãn vào khoảng thời gian trẻ cần bình tĩnh và ít hoạt động.
– Điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ khi cần
Các chuyên gia cũng khuyến khích phụ huynh không nên quát mắng khi con có những hành động ngoài kiểm soát mà hãy để con sáng tạo và dẫn dắt, giúp những điều vô nghĩa của con thành có ý nghĩa, giúp con gọi tên cảm xúc, hãy lắng nghe và cho con có thời gian được giải tỏa các năng lượng tiêu cực nếu cần thiết, đồng thời biến các hoạt động chơi của con thành cơ hội giáo dục.
Chúng tôi tin rằng với tình yêu, sự kiên nhẫn, kiên trì của cha mẹ và sự nỗ lực điều trị của các y bác sĩ Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự kỷ sẽ sớm hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn phía trước.