(Soha.vn) – Nhắc lại những gì đã chứng kiến khi dịch sởi hoành hành, các bác sỹ, điều dưỡng ở BV Nhi Trung ương đã không giấu được nước mắt…
Chúng tôi có mặt tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương vào lúc dịch sởi đã hoành hành được gần 4 tháng. Ròng rã trong quãng thời gian đó, các y, bác sỹ, điều dưỡng của khoa cũng như trong toàn bệnh viện đã đều căng mình làm việc suốt ngày đêm giữa nhiều áp lực, vất vả.
Đang mang thai hơn 4 tháng, nhưng khi dịch sởi hoành hành, cùng với các y, bác sỹ trong khoa, điều dưỡng Hồ Thị Bích (SN 1986), Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn phải đi làm và còn tích cực tham gia “trực chiến” 24/24h.
“Trong lúc dịch sởi hoành hành mà mình đang mang bầu thế này, đúng là khi đi làm, đi trực thì gia đình và kể cả bản thân cũng rất lo lắng. Dù rằng thường xuyên kiểm tra nhưng cũng chưa thực sự an tâm, không biết con mình có khỏe hay không…
Tuy nhiên, khi mình đã chọn và mong muốn gắn bó với nghề này rồi thì cho dù thế nào cũng phải cố gắng. Thêm vào đó, công việc quá nhiều như vậy, mọi người ai cũng vất vả và đâu chỉ riêng mình, một số chị em khác cũng đang mang bầu mà vẫn đi làm nên phải cố gắng.
Và chính chồng mình cũng là người làm trong ngành nên anh luôn cảm thông, chia sẻ, động viên…”, điều dưỡng Bích chia sẻ.
Điều dưỡng Hồ Thị Bích lau vội những giọt nước mắt.
Cũng theo điều dưỡng Bích, trong những ngày qua, gần như các chị đã phải làm xuyên thời gian, không nghỉ, bữa trưa nhiều hôm thường bắt đầu vào lúc 13 – 14 giờ chiều và cũng chỉ kéo dài trong 15 – 20 phút…
“Những hôm bệnh nhân nhập viện đông thì dường như mọi người không phút nào được ngơi nghỉ. Chúng tôi gần như không nói được với nhau một câu nào mà chỉ còn biết là cố gắng làm nhanh tất cả mọi việc.
Chân cũng gần như muốn khuỵu xuống và những hôm trọng điểm của dịch, thiếu máy thở thì các điều dưỡng ai cũng mỏi hết cả tay vì phải bóp bóng cả đêm cho các cháu. Tiêm bằng máy, nhưng bệnh nhân đông mà máy thì thiếu nên phải thay nhau, cứ bé này xong lại chuyển cho bé khác. Việc luân chuyển diễn ra trong cả đêm…
Rất mừng là sau đó, với sự quan tâm kịp thời của cấp trên, của toàn xã hội, trang thiết bị máy móc đã được cấp kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu và quan trọng hơn là các em nhỏ đã có thể nằm một mình một giường, thay vì phải nằm ghép như trong một số ngày quá tải…”, chị Bích kể lại.
Những chia sẻ của điều dưỡng Hồ Thị Bích:
Dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn có không ít những trường hợp các bé, do quá nặng đã tử vong và mỗi lần chứng kiến hình ảnh đó thì lại tạo ra một nỗi đau, hằn sâu trong thâm thâm của chị Bích.
“Nhiều bé rất đáng yêu, ngoan nhưng do bệnh quá nặng không thể cứu được rồi không ít cặp song sinh cũng vì quá nặng nên có cháu đã tử vong. Chứng kiến cảnh đó, mà không chỉ tôi mà các y, bác sỹ khác đều không thể cầm được nước mắt.
Suốt những đêm đó, cứ mỗi lúc nằm xuống giường, hình ảnh của các bé lại cứ hiển hiện làm cho tôi không tài nào chợp mắt được và nước mắt lại cứ thế ùa ra…”, chị Bích nói khi những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má.
Cũng như điều dưỡng Bích, dù đang mang bầu ở tháng thứ 5 nhưng bác sỹ Nguyễn Phương Thảo, Khoa truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương vẫn ngày đêm ứng trực để cứu chữa cho những bệnh nhi mắc sởi, dù biết rằng, bản thân của chị cũng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Mình đang mang thai thì đúng là rất lo đấy nhưng khi mình đã chọn nghề này rồi thì dù thế nào cũng phải cố gắng hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân. Gia đình, bố mẹ cũng lo lắng, hỏi thăm nhưng mình cũng vẫn giải thích thêm để cho mọi người hiểu rõ hơn về công việc mình phải làm. Đồng thời, mình cũng ý thức rất rõ về việc đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn, phòng tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh”, chị Thảo cho hay.
Chị Thảo cũng chia sẻ, trong những ngày cao điểm của dịch, do lượng bệnh nhân quá lớn, gây ra tình trạng quá tải dẫn đến công suất làm việc của các cán bộ trong khoa phải tăng lên đến 200 – 300% rồi việc 2 giờ chiều còn chưa được ăn trưa, đêm khuya mới được ăn tối là chuyện bình thường…
Bác sỹ Thảo đang thăm khám một ca mắc sởi tại bệnh viện Nhi trung ương.
Còn với điều dưỡng Đặng Thị Phượng, hơn 30 năm công tác trong nghề thì dịch sởi năm nay có lẽ là trận dịch với số ca mắc bệnh cũng như tử vong lớn nhất mà bà phải chứng kiến.
“Trước đây cũng có những dịch viêm não, tay chân miệng, dịch cúm… nhưng trận dịch sởi năm nay là trận dịch lớn nhất, với số lượng ca tử vong nhiều nhất mà tôi buộc phải chứng kiến. Những con số, những hình ảnh về trận dịch sởi này có lẽ sẽ ám ảnh trong tôi tới mãi về sau”, điều dưỡng Phượng vừa kể vừa lau nhanh những giọt nước mắt đang chảy xuống gò má..
Cũng theo các y, bác sỹ trong khoa, thì quá đau xót trước những hình ảnh các em nhỏ không may mắn ra đi vì dịch sởi, điều dưỡng Phượng đã không ít lần rơi nước mắt, kể cả ngay trong nhiều cuộc họp giao ban đầu tuần…
“Tôi cũng lên chức bà rồi, ở nhà cháu nhỏ cũng đã 3 tuổi nên tôi thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau của các gia đình khi không may mất đi người thân, lại là những em bé rất đáng yêu, đáng thương. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng năm nay do đa phần là các ca nặng, suy hô hấp, viêm phổi, điều trị phức tạp… Giờ cũng chỉ mong sao là thời tiết nắng lên để cho virus sởi này không thể hoành hành, gây hại cho các con nữa còn với gia đình thì ban đầu có lo lắng nhưng sau rồi cũng thấu hiểu và chia sẻ với chúng tôi…”, điều dưỡng Phượng bày tỏ.
(Theo Soha.vn)