Căng thẳng, lo lắng là tâm trạng của hầu hết phụ huynh và các học sinh trước mỗi kỳ thi vào lớp 10 THPT hay kỳ thi Đại học, nhất là tại các đô thị lớn - nơi áp lực cạnh tranh để thi đỗ vào các ngôi trường danh tiếng đè nặng. Khi kỳ thi khép lại, nhiều gia đình hân hoan với niềm vui đỗ đạt, nhưng cũng nhiều gia đình rơi vào nỗi buồn trượt nguyện vọng. Đằng sau mỗi kỳ thi như vậy, dù kết quả ra sao, các con rất cần những cái ôm động viên và sự thấu hiểu của cha mẹ.
Thi cử và điểm số là những áp lực vô hình đè nặng trên vai thanh thiếu niên (Ảnh minh họa)
Điểm số không phải là thước đo để đánh giá trẻ
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tâm lý phụ huynh luôn mong con được học tập tại các ngôi trường danh tiếng, nên dễ đặt kỳ vọng lớn và gây áp lực đối với việc học tập của trẻ. Bản thân học sinh cũng lo sợ kiến thức không đủ để vượt qua kỳ thi, hay không đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, nên vùi đầu vào học.
Cách đây ít ngày, một nữ sinh ở tỉnh Thanh Hóa đã chọn chấm dứt cuộc sống sau khi thi trượt vào lớp 10, khiến gia đình, người thân và cộng đồng vô cùng đau lòng và xót xa.
Trên thực tế, sau mỗi kỳ thi, khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận không ít trẻ đến khám và điều trị những khủng hoảng tương tự. Các em học sinh đã phải chịu áp lực, căng thẳng trong suốt quá trình ôn thi. Khi kết quả thi không như mong đợi, các em sẽ chán nản và có các phản ứng như buồn bã, căng thẳng, lo âu, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát.
Áp lực từ việc thi trượt có thể khiến trẻ có những hành động tiêu cực để kết thúc cuộc sống
Việc không hoàn thành tốt một kỳ thi nào đó chỉ là một cú vấp ngã mà bất cứ ai trong cuộc sống đều có thể trải qua. Kỳ thi mỗi năm đều có, nhưng cuộc đời của mỗi người thì chỉ có một. Điểm số không định nghĩa bạn là ai, nếu ngày hôm nay bạn thất bại, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu lại và rồi sẽ chạm tới những điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
Thay vì đề cao thành tích, trong thời đại công nghệ số ngày nay, khả năng thực hành, ứng dụng thực tiễn, các kỹ năng mềm như: tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và trí tuệ cảm xúc mới là những yếu tố quan trọng và bền vững, tạo nền tảng cho cuộc sống thành công và trọn vẹn.
Cần lắng nghe, động viên và thấu hiểu con
Khi các con thi trượt hoặc kết quả không như mong đợi, một số phụ huynh thường so sánh con với các bạn khác, khiển trách bằng những câu nói như “Bạn A đỗ rồi, sao cùng đi học ôn nhà thầy cô như nhau mà con lại không bằng bạn?’, “Bố mẹ nuôi con vất vả, chăm lo cho con từng tí, mỗi việc thi cử cũng không xong”, hay thậm chí là ánh mắt thất vọng hoặc sự lạnh lùng dành cho con… Những điều này sẽ càng làm tăng thêm sự chán nản và để lại chấn thương tâm lý lâu dài cho trẻ.
Những lời so sánh, khiển trách sẽ khiến tâm lý của con bị ảnh hưởng rất lớn
TS.BS Nguyễn Mai Hương – Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Sau mỗi kỳ thi, nếu con có kết quả thi không như kỳ vọng, gia đình nên nhẹ nhàng chấp nhận thực tế. Cha mẹ cần giữ tâm lý bình tĩnh trước việc các cha mẹ khác kể về thành tích của con trên mạng xã hội, không phán xét, so sánh kết quả điểm số của con với các bạn khác.
- Cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe, động viên và thấu hiểu con. Cha mẹ có thể tạo cảm giác an toàn cho trẻ bằng cách hỏi han con: “Con cảm thấy thế nào?’, “Con có muốn nói gì về kỳ thi không?”, “Bố mẹ luôn ở đây bên cạnh con”. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ không thất vọng, không áp đặt, mà đang sẵn sàng cùng con vượt qua những cảm xúc tiêu cực.
- Cha mẹ nên chia sẻ với con rằng thất bại cũng là một cách để trưởng thành, ai cũng từng vấp ngã trong đời, quan trọng là con đứng lên sau vấp ngã và không bỏ cuộc.
- Mỗi đứa trẻ có một tiềm năng riêng, vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ phát huy các thế mạnh của bản thân, trân trọng giá trị của chính mình và tiếp tục bước đi trên một con đường mới với nhiều điều đẹp đẽ còn đang chờ phía trước.
- Những cái ôm, lời yêu thương và cả lời chúc mừng, cảm ơn vì những nỗ lực của con trong thời gian qua sẽ có sức mạnh rất lớn giúp con cảm thấy gia đình luôn là điểm tựa, giúp con quên đi nỗi thất vọng, cảm thấy vui vẻ và nhẹ nhõm hơn.
Sự động viên kịp thời của cha mẹ sẽ là động lực con tiếp tục cố gắng
Lời nhắn từ những trái tim đã từng tổn thương, nay đã tràn đầy sức sống trở lại
Phía sau mỗi câu chuyện là một hành trình vượt qua chính mình và phía sau mỗi hành trình là những người luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Những lá thư nhỏ từ các bạn từng điều trị tại khoa Sức khỏe Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương dưới đây sẽ là những lời động viên chân thành dành cho những bạn học sinh đang loay hoay với áp lực và hoài nghi về giá trị bản thân.
Trích thư của bạn B.C.B ngày 22/4/2025:
“Thân gửi các bạn ở khoa Sức khỏe vị thành niên,
Mình tên là B.C, biệt danh là B.C.B. Các bạn à, cuộc sống dù khó khăn, hãy tin vào bản thân. Bạn không cô đơn, hãy kiên nhẫn và yêu thương chính mình. Mọi chuyện rồi sẽ tốt thôi. Hãy để nước mắt rơi và đừng để nó cuốn bạn đi. Mình tin bạn, dù tôi chưa gặp bạn. Hãy luôn nhớ: Bạn không cô đơn, hãy níu lấy hy vọng!
Mình tin cậu sẽ vượt qua, cố gắng lên nhé”
Lá thư viết ngày 17/6/2025 từ một bạn học sinh đã được chữa lành và đang sống hạnh phúc với những mục tiêu mới:
“Thân gửi các bác sĩ, điều dưỡng khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khi viết những dòng này con đang ngồi trong phòng bệnh với một trái tim đã lành lặn hơn xưa. Nay – là ngày con trở về. Đây là lần thứ hai con nằm ở khoa mình và lần nào cũng tháo được “lớp băng máu” đã giam cầm trái tim con. Con không nghĩ bác sĩ và nhà tâm lý là thần tiên, nhưng họ rất tuyệt vời vì đã cho con một không gian, môi trường chữa lành ấm cúng đến thế. Cảm ơn những người đã lặng lẽ ôm trọn lấy con.”
Những lá thư chân thành, đầy cảm xúc của những trái tim đã được chữa lành
Các bạn học sinh và cha mẹ à, không có cánh cửa nào là tốt nhất, chỉ có cánh cửa phù hợp nhất với mỗi người. Một kỳ thi không thể đo hết giá trị và năng lực của một học sinh và sẽ luôn có nhiều con đường để dẫn đến ước mơ. Vì vậy, hãy luôn lạc quan, tin tưởng vào chính mình, vì mỗi ngày mới luôn là một cơ hội để chúng ta bắt đầu lại
Phòng Thông tin điện tử – Viện Đào tạo và Nghiên cứu SKTE