Trang chủ » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Dị vật tiêu hóa ở trẻ em

Dị vật tiêu hóa ở trẻ em

Trẻ nhỏ thường vô tình nuốt phải các đồ vật nhỏ ở xung quanh khi chơi, phần lớn là dị vật cản quang, trong đó dị vật đồng xu, đồng xèng và pin cúc áo hay gặp nhất.

1. Dị vật tiêu hóa là gì?

– Dị vật là một vật lạ ở ngoài đi vào cơ thể

– Dị vật tiêu hóa là tình trạng trẻ nuốt một đồ vật vào đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và hay gặp ở trẻ nam. Đây là một cấp cứu thường gặp nhất trong nội soi tiêu hóa nhi khoa

2. Loại dị vật tiêu hóa nào thường gặp ở trẻ em?

– Trẻ nhỏ thường vô tình nuốt phải các đồ vật nhỏ ở xung quanh khi chơi, phần lớn là dị vật cản quang, trong đó dị vật đồng xu, đồng xèng và pin cúc áo hay gặp nhất. Dị vật không cản quang thường liên quan đến thức ăn và hay gặp ở trẻ hẹp thực quản như miếng thịt, miếng hoa quả.

– Đối với trẻ có bệnh lí khiếm khuyết tâm thần kinh, trẻ có thể chủ động nuốt những đồ vật nguy hiểm

Hình 1: Kim diệt tủy răng trong dạ dày Hình 2: Pin cúc áo gây loét thực quản

3. Chuyện gì sẽ xảy ra khi con bạn nuốt dị vật?

 – Phần lớn các dị vật đều đi qua họng vào ống tiêu hóa sau đó được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho con bạn.

– Khoảng 10-20% dị vật gây nguy hiểm và gây ra các triệu chứng cho con bạn như: nôn, nuốt đau, nuốt khó, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, nôn máu… Các biểu hiện này thường xuất hiện sớm, đôi khi muộn sau vài ngày hoặc thậm chí vài tháng do dị vật có thể gây tắc nghẽn, loét và chảy máu ống tiêu hóa cũng như giải phóng các chất độc gây nguy hại cho sức khỏe.

4. Dị vật thường nằm ở đâu trong ống tiêu hóa sau khi con bạn nuốt?

– Phần lớn các dị vật sẽ dễ dàng đi qua họng, thực quản vào dạ dày nhờ phản xạ nuốt tức thì của con bạn. Sau đó, dị vật được di chuyển theo ống tiêu hóa nhờ nhu động của dạ dày và ruột, rồi được đẩy ra ngoài hậu môn theo phân trong vài ngày đến vài tuần.

– Các dị vật khi bị kẹt tại ống tiêu hóa thường gặp nhất là thực quản chiếm hơn 50% các trường hợp dị vật tiêu hóa, đôi khi dị vật cũng có thể nằm tại dạ dày và ruột với thời gian dài.

5. Bạn cần phải làm gì khi con bạn nuốt hoặc nghi ngờ dị vật?

Thời điểm con bạn nuốt dị vật là khi nào? Bạn cần theo dõi xem con bạn có các triệu chứng liên quan đến dị vật không? Nếu có các biểu hiện trên thì bạn phải cho trẻ đi khám ngay.

– Bạn kiểm tra xem con nuốt phải dị vật nguy hiểm dưới đây không?

+ Đường kính dị vật ≥ 20mm

+ Chiều dài dị vật ≥ 50mm

+ Dị vật pin

+ Dị vật nam châm

+ Dị vật chứa chì

+ Dị vật sắc nhọn có khả năng đâm xuyên (kim loại có ngạnh, kim, thủy tinh…)

+ Dị vật nhiều thành phần (ví dụ: đồ chơi khi vỡ ra có bóng đèn, pin và động cơ)

+ Dị vật có tính hút nước mạnh như thuốc chống ẩm

+ Dị vật tồn tại trong dạ dày từ 2–4 tuần

– Con bạn có các bệnh lí dưới đây đã từng được chẩn đoán không?

+ Con bạn có bị các bệnh lí về bất thường cầu trúc ống tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng, phẫu thuật ống tiêu hóa …

+ Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

+ Bệnh thần kinh cơ

6. Bạn cần làm gì để con bạn không nuốt phải dị vật?

– Bạn hãy cất các đồ vật nhỏ cẩn thẩn ngoài tầm với của con bạn như tiền xu, đồng xèng, cục pin, lego, kim, tăm, gốm thủy tinh dễ vỡ…

– Bạn hãy kiểm tra kĩ lưỡng thức ăn như cá, gà, chim … để đảm bảo rằng không còn xương trong đồ ăn của trẻ

– Bạn hãy dặn kĩ lưỡng các việc trên nếu nhờ người khác chăm con bạn

7. Khi nào các bác sĩ cần can thiệp điều trị cho con bạn?

– Khi con bạn có các triệu chứng của dị vật sau khi nuốt

– Dị vật thực quản

– Khi con bạn nuốt dị vật nguy hiểm

– Khi con bạn có tình trạng dễ bị ảnh hưởng bởi dị vật

8. Bác sĩ sẽ phải làm gì trước khi điều trị cho con bạn?

– Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và tiền sử bệnh

– Bác sĩ sẽ khám cho con bạn để đánh giá tình trạng toàn thân, hô hấp, tim mạch, tắc nghẽn, thủng hoặc chảy máu ống tiêu hóa

– Bác sĩ sẽ cần loại trừ với dị vật đường thở, đặc biệt đối với các đồ vật nhỏ như kim, đinh…

– Phim chụp X-quang cổ, ngực, bụng đối với dị vật kim loại thường được bác sĩ chỉ định để xác định vị trí của dị vật, đôi khi chụp cộng hưởng từ hoặc CT tùy từng trường hợp cụ thể để đánh giá ảnh hưởng của dị vật đến cơ quan xung quanh.

9. Bác sĩ sẽ dùng các phương pháp nào để điều trị cho con bạn?

Tùy theo tình trạng cụ thể của con bạn, bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình và đưa ra các hướng giải quyết phù hợp, các hướng giải quyết bao gồm:

– Con bạn có thể được theo dõi và nếu có diễn biến đặc biệt sẽ được điều trị bằng phương pháp nội soi tiêu hóa hoặc phẫu thuật khi cần thiết

– Nội soi can thiệp vừa có giá trị chẩn đoán và điều trị thường là phương pháp tối ưu trong điều trị

– Phẫu thuật xử trí dị vật tiêu hóa dành cho một số ít trường hợp phức tạp

10. Con bạn cần được theo dõi như thế nào sau khi can thiệp dị vật?

– Con bạn cần được theo dõi các biểu hiện toàn thân, sốt, thiếu máu, chảy máu, ho, khó thở, đau bụng, chướng bụng …

11. Bạn có thể liên hệ cơ sở y tế nào khi con bạn nuốt dị vật?

Khi con bạn nuốt dị vật hoặc nghi ngờ trẻ đã nuốt dị vật, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ, cuối tuần), cụ thể:

  • Khoa khám bệnh Đa khoa
  • Khoa khám bệnh Chuyên khoa
  • Trung tâm Quốc tế

TS.BS Phan Thị Hiền

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em