Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Điều dưỡng – Nghề thầm lặng, tận tâm, tận tụy

Điều dưỡng – Nghề thầm lặng, tận tâm, tận tụy

Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 hàng năm được tổ chức vào ngày sinh của bà Florence Nightingale – người mẹ tinh thần của ngành Điều dưỡng thế giới. Đây là dịp nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với sự hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại và cũng là dịp để xã hội ghi nhận, tôn vinh vai trò của người điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe.

“Nữ công tước với cây đèn” Bà Florence Nightingale, người khai sinh ngành Điều dưỡng thế giới

Bà Florence Nightingale xuất thân từ một gia đình giàu có, học nhiều biết rộng lại có trái tim nhân hậu nên ngay từ nhỏ bà ước mơ được giúp đỡ những người khốn khổ. Bằng ý chí và quyết tâm, bà đã vượt qua sự phản kháng của gia đình để vào học và làm tại bệnh viện Kaiserwerth (Ðức) năm 1847.

Trong vòng 3 năm làm tình nguyện tại bệnh viện dã chiến của cuộc chiến tranh Crimea ở Thổ Nhĩ Kỳ (1854-1856), Florence đã làm việc không quản khó khăn, đêm đêm cầm theo cây đèn dầu tận tình chăm sóc điều trị cho thương bệnh binh, giúp làm giảm tỷ lệ người tử vong do nhiễm trùng và chấn thương trong chiến đấu.

Năm 1960, Florence đã vận động thành lập Viện đào tạo Nightingale tại London và xuất bản sách làm tài liệu căn bản cho các thế hệ điều dưỡng sau này. Bà Florence Nightingale qua đời tại Anh thọ 90 tuổi, để tưởng nhớ công lao của bà và khẳng định quyết tâm xây dựng sự nghiệp của Florence, Hội đồng Điều dưỡng thế giới quyết định lấy ngày sinh của bà 12/5 làm ngày Điều dưỡng Quốc tế.

Bà Florence Nightingale – người có cống hiến to lớn cho sự hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng Thế giới

Tại Việt Nam, trước năm 1949, y tá được đào tạo trong 1 vài tháng để làm công việc phụ giúp cho bác sĩ. Năm 1949, trường y tá liên khu 1 mở lớp đào tạo y tá đầu tiên. Bác Hồ đã gửi thư căn dặn, trong thư Bác viết ‘‘Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm vì sự khang kiện của giống nòi. Người y tá phải giàu lòng bác ái hy sinh’’. Đội ngũ y tá – điều dưỡng lúc bấy giờ đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Đến ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập xác định kim chỉ nam duy nhất là đào tạo nên những điều dưỡng viên chất lượng, phấn đấu vì sức khỏe của cộng đồng. Từ năm 1990 trở lại đây được sự quan tâm của Bộ y tế và Nhà nước, ngành Y tá – Điều dưỡng đã được đào tạo trong các trường đại học, những thành tích ban đầu đạt được góp phần làm thay đổi những quan niệm về vị trí xã hội và vai trò của người điều dưỡng trong ngành Y tế.

Điều dưỡng – Không chỉ là một nghề, đó là sứ mệnh cao cả

Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Mỗi người bệnh không ai giống nhau, từ bệnh tật cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử, vì thế để có thể chăm sóc, gần gũi, sẻ chia được với họ là điều không dễ dàng. Những đêm thức trắng, những buổi trưa chợp mắt chốc lát, những bát cơm, gói mì ăn vội, bước chân chạy nhanh liên hồi vượt qua nỗi mệt mỏi về thể xác để cần mẫn chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người bệnh,… đã trở thành những điều thường nhật của điều dưỡng.

Những người điều dưỡng miệt mài chăm sóc cho bệnh nhi, không quản ngày đêm

Đặc biệt, với điều dưỡng Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì đặc thù của điều dưỡng lại càng khác biệt. Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một công việc đòi hỏi sự chi tiết, tỉ mỉ và chính xác cao, có năng lực đáp ứng và ứng biến với các cung bậc cảm xúc, tâm lý khác nhau theo lứa tuổi của trẻ. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, người điều dưỡng phải thực sự say mê, yêu nghề, có trách nhiệm cao với công việc, luôn cập nhật, trau dồi kiến thức, nghiên cứu khoa học và thực hành dựa vào bằng chứng.

Chăm sóc bệnh nhi lọc máu được các điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận

Điều dưỡng luôn là người đồng hành với các bác sĩ, chăm sóc bệnh nhi từ những điều đơn giản nhất như tắm bé, chăm sóc da, rốn trẻ sơ sinh… cho đến ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc, phẫu thuật tim… Sự đóng góp của điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh , phòng ngừa nhiễm khuẩn sau mổ cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của ca phẫu thuật. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng còn là những nhân viên công tác xã hội giúp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về vật chất và tinh thần, đồng thời chia sẻ thông tin chăm sóc người bệnh, mang lại niềm tin, hy vọng cho người bệnh và gia đình.

Nâng niu, yêu thương trong từng hành động nhỏ đối với các bé tại Trung tâm Sơ sinh

Đặc biệt hơn nữa, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, tất cả các nhân viên ngành Y tế, trong đó có đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương đã không quản ngại khó khăn hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch và một số bộ phận điều dưỡng tại đơn vị cũng thực hiện “4 tại chỗ”: làm việc, ăn, nghỉ, sinh hoạt tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa người bệnh COVID-19 song song với khám, chữa bệnh thường quy. Họ phải gác lại mọi nỗi niềm và gia đình riêng để đặt lợi ích của cộng đồng lên trước, toàn tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Những người điều dưỡng hi sinh và nỗ lực như thế không phải để được tôn vinh hay khen thưởng, chỉ đơn giản rằng: họ đã chọn nghề này và trách nhiệm mà họ mang trên vai là không thể đặt xuống.

Hệ thống điều dưỡng không ngừng nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao

Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối cả nước, tự hào sở hữu đội ngũ điều dưỡng , kỹ thuật viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, trong đó gần 80% số điều dưỡng có trình độ đại học và sau đại học, đủ năng lực giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Để đáp ứng với nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người bệnh, điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương luôn không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn bằng việc tham gia tích cực trong các khóa đào tạo, tập huấn dành cho điều dưỡng do Bệnh viện tổ chức, thường xuyên thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức, bệnh viện, trường đại học nước ngoài để cập nhật các phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc người bệnh hiệu quả nhất.

Các hoạt động hợp tác quốc tế được diễn ra thường xuyên với nhiều kinh nghiệm, giải pháp tối ưu chăm sóc sức khỏe người bệnh được trao đổi

Ngoài việc chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng để tìm ra nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi; tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn người bệnh.

Hội thi cải tiến chất lượng Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2022

Và món quà vô giá cho những nỗ lực ngày đêm, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương chính là những giây phút được nhìn các em bé vượt qua bệnh tật, giành giật được sự sống, khỏe mạnh và ra viện với những nụ cười tươi trên môi; hay những bức thư cảm ơn, những cuộc điện thoại và tình cảm quý giá mà gia đình bệnh nhi dành cho họ. Cũng chính từ đó, người điều dưỡng có thêm động lực, thêm yêu, vững tin và tự hào vào nghề, để ngày càng nỗ lực hơn nữa, đem hết sức mình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người bệnh, cống hiến cho sự nghiệp chung của ngành Y tế.

Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu
Video: Trường Giang

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em