Trang chủ » Y học thường thức » Giúp con xả stress trước kỳ thi

Giúp con xả stress trước kỳ thi

Bố mẹ nên cho con mình thư giãn đầu óc bằng cách tham gia các trò chơi, các hoạt động giải trí… để trẻ cảm thấy thoải mái và đỡ lo lắng khi đối mặt với áp lực thi cử.

Hàng năm, vào mùa thi, tỷ lệ học sinh bị các rối loạn về tâm lý liên quan đến những căng thẳng, áp lực học và thi cử lại tăng cao. Những áp lực này có thể khiến các em lo âu, sợ hãi mà không thể kiểm soát được. Đó thực sự là vấn đề rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến kết quả bài thi của các em.
Lan, 15 tuổi đang học tại một trường THPT ở Hà Nội, được mẹ đưa đến phòng khám sức khỏe vị thành niên, bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám vì bị cô giáo chủ nhiệm nhận xét kết quả học tập không tương thích với năng lực học. Trước đó, Lan được đánh giá là thông minh, hăng hái tham gia các hoạt động trên lớp nhưng các bài thi của em trong suốt năm học đều chỉ ở mức trung bình. Cô giáo đã khuyên gia đình nên quan tâm đến em nhiều hơn và có thể đưa em gặp các chuyên gia và các bác sỹ tâm lý để được hỗ trợ.
Lan đã tâm sự với các bác sĩ và chuyên gia tâm lý rằng em cảm thấy luôn hoảng sợ trong các kỳ thi: “Những ngày thi và trước ngày thi luôn là những ngày tồi tệ, khiến em vừa căng thẳng, vừa tức giận. Em hay vã mồ hôi, hồi hộp đập trống ngực, tim đập nhanh, sợ hãi, muốn vào nhà vệ sinh và thực sự không thể kiểm soát được những biểu hiện trên. Mặc dù trước đó em học rất kỹ nhưng hễ  vào phòng thi, em lại có cảm giác đau bụng, buồn nôn. Em đã tự trấn an mình không được nghĩ đến những điều đó nữa nhưng vẫn không sao tập trung làm bài được”.
Lan kể rằng tình trạng này xảy ra từ khi em học cấp 2 nhưng mức độ lại tăng lên khi vào cấp 3. Em cho rằng, có thể việc ôn thi chuyển cấp và cạnh tranh học để vào được trường được cho là có tiếng đã khiến em bị stress.
Trên thực tế, cũng như Lan, có rất nhiều học sinh bị các rối loạn lo âu như vậy khi vào mùa thi với các biểu hiện thường gặp là:
• Vã mồ hôi, hồi hộp đập trống ngực, tim đập nhanh.
• Cảm giác buồn nôn, đau bụng, muốn đi vệ sinh.
• Run tay chân, ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau các cơ.
• Cảm xúc không ổn định: khóc lóc, lo lắng, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày và không thể nào thoát ra khỏi được sự lo lắng đó.
Ngoài những vấn đề lo lắng quá mức do thi cử, có nhiều trường hợp trẻ bị căng thẳng gây ra tình trạng trầm cảm, thậm chí tử tự do thất vọng với bản thân. Gần đây nhất là vụ một nữ sinh của trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) đã gieo mình từ tầng 4 của dãy lớp học xuống sân trường. Trong lá thư tuyệt mệnh em tâm sự bị áp lực đến từ việc thi cử. Em lo sợ vì bản thân mình không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Đây chỉ là một trong những số những vụ học sinh tự tử do áp lực do thi cử gây ra. Trên thực tế, số lượng học sinh, sinh viên tử tự vì nguyên do áp lực do thi cử ngày càng tăng và đây là con số đang ở mức báo động. Vấn đề tử tự do áp lực không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở một số nước trên thế giới.
Các bác sỹ chuyên khoa vị thành niên cảnh báo: Lo lắng, căng thẳng quá mức trong thi cử là yếu tố tâm lý nguy hiểm cần được nhận biết. Sự căng thẳng quá mức không kiểm soát được sẽ tác động và gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ. Kết quả học tập thấp kém không như mong đợi khiến trẻ chán nản, khó hoà nhập với cuộc sống bình thường và ảnh hưởng đến tương lai về sau.
Vậy các em phải làm gì để đối mặt với áp lực trong các kỳ thi?  
• Sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý, không tự tạo ra áp lực cho bản thân, dành thời gian hàng ngày để thư giãn. Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, trường học khi cảm thấy lo lắng quá mức, khó kiểm soát.
• Tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao. Chơi thể thao sẽ giúp cân bằng về thể chất và tinh thần.
• Không nên sử dụng những chất kích thích làm ảnh hưởng đến thần kinh như chè, café, rượu, các chất kích thích dễ dẫn đến bệnh lý tâm thần.
Bố mẹ nên làm gì khi con mình rơi lo lắng quá mức khi vào kỳ thi?
• Không gây áp lực cho con mình
Nhiều khảo sát điều tra cho thấy áp lực lớn nhất lúc thi cử của trẻ là từ phía gia đình. Vì thế, bố mẹ trẻ nên biết cách lắng nghe, động viên trẻ, tránh những lời chỉ trích, mắng nhiếc. Trước khi đi thi, hãy tạo cho trẻ cảm giác an tâm, tinh thần thoải mái. Nếu trẻ đạt kết quả tốt trong kỳ thi, cha mẹ nên có những phần thưởng khen ngợi, khích lệ để con tiếp tục cố gắng trong các kỳ thi sau. Ngược lại, hãy bình tĩnh, động viên con. Không nên mắng mỏ, đay nghiến, dồn con vào con đường cùng. Đừng nói những lời tổn thương con như: “Đồ vô dụng”, “Bố mẹ thất vọng về con”, “Con đã làm ảnh hưởng tới danh dự của gia đình”, “Con biến đi cho khuất mắt”… Những lời này sẽ khiến trẻ mất bình tĩnh, dẫn tới nguy cơ có hành động như bỏ nhà ra đi, tự vẫn…
• Luôn giám sát con mình
Bố mẹ cần gần gũi với con, là một người bạn tâm sự của con, chia sẻ những kinh nghiệm học tập giúp con mình có phương pháp học tốt, đạt hiệu quả cao. Động viên con bình tĩnh trước mọi tình huống, dù là xấu nhất. Dạy con rằng, lúc nào tính mạng con người cũng là quan trọng nhất. Gia đình, bố mẹ luôn là nơi yêu thương, che chở cho con. Trong mọi tình huống, con phải trở về nhà an toàn.
Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường trong hành vi, lời nói, các bố mẹ cần phải đưa ngay con mình đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp.
• Khuyến khích trẻ chơi thể thao, đảm bảo trẻ ngủ đủ thời gian
Cho trẻ chơi những môn thể thao mà trẻ thích, dễ thực hiện như đạp xe, chạy bộ, đá bóng… Đảm bảo giấc ngủ đủ và sâu sẽ giúp con bạn cải thiện trí óc và khả năng tập trung.
• Giúp con mình biết cách thư giãn
Bố mẹ nên cho con mình thư giãn đầu óc bằng cách tham gia các trò chơi, các hoạt động giải trí, xem ti vi… để trẻ cảm thấy thoải mái và đỡ lo lắng khi đối mặt với áp lực thi cử.
• Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ cung cấp cho con nguồn năng lượng cần thiết trong suốt quá trình thi cử vất vả. Khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, món ăn nhiều protein… để cơ thể khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần. Tránh lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá…
Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi, Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em