Một ngày nắng tháng 7, mới 6 giờ sáng, Nguyễn Thị Thanh Phương, sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội đã háo hức có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương để tham gia chương trình tình nguyện đầy ý nghĩa mang tên “ Giọt hồng trao em”. Cảm giác hồi hộp lần đầu tham gia hiến máu không che khuất niềm vui được sẻ chia với các em bé mắc bệnh nặng của cô sinh viên trẻ.
Hành trình của những giọt máu bắt đầu từ những tấm lòng sẻ chia….. (Ảnh: Xuân Tùng)
Trước khi quyết định tham gia chương trình, Phương đã tìm hiểu kỹ thông tin về việc hiến máu qua tài liệu. Tuy vậy cô gái trẻ vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Sau khi được các bác sĩ khám sức khỏe và giải đáp hết các băn khoăn, Lan đã tự tin hơn. “Tuy vẫn thấy hơi run vì đây là lần đầy tiên em làm công việc này, nhưng cứ nghĩ đến những giọt máu của mình có thể góp phần cứu sống nhiều em nhỏ, em lại cảm thấy hào hứng hơn rất nhiều”-Phương cho biết thêm. Hành trình yêu thương của những giọt máu cũng bắt đầu từ đây.
Những vất vả và hy sinh thầm lặng
Để có thể hòa nhịp trong cơ thể các bệnh nhi, những giọt máu của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương phải trải qua các quy trình xử lý, sàng lọc và bảo quản phức tạp. Công việc này đòi hỏi rất nhiều công sức của các kỹ thuật viên.
Chị Nguyễn Thị Lan, kỹ thuật viên trưởng Khoa Truyền máu Bệnh viện Nhi Trung ương, người đã gắn bó với công việc này suốt 14 năm, cho biết: “Để có những bịch máu sạch đến với từng bệnh nhi, các kỹ thuật viên phải thực hiện rất nhiều công đoạn: lấy máu, sàng lọc, phân tách, bảo quản, lưu trữ và đưa đến từng khoa phòng. Tất cả đều đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh”.
….Trải qua qua rất nhiều công đoạn (Ảnh: Minh Hạnh)
Để có tiểu cầu và huyết tương tươi, các kỹ thuật viên bắt buộc phải làm chế phẩm ngay khi máu về: đưa máu vào máy li tâm lạnh, quay tách, làm huyết tương, làm tiểu cầu…Do yêu cầu công việc phải bảo đảm vừa nhanh vừa chuẩn xác, khi khối lượng công việc lớn, các kỹ thuật viên thường phải bám trụ tại khoa liền trong 2-3 ngày. Vất vả là vậy nhưng các anh chị không hề chán nản. “Với tình trạng máu khan hiếm như hiện nay, được vất vả là một niềm vui. Chỉ mong sao các cháu bệnh nhân luôn có đủ máu dùng để việc điều trị không bị gián đoạn” – chị Lan chia sẻ.
….. chứa đựng rất nhiều công sức của các kỹ thuật viên (Ảnh: Minh Hạnh)
Để có đủ nguồn máu cung cấp cho bệnh nhi, các cán bộ kỹ thuật khoa Truyền máu luôn chủ động tự liên hệ, vận động nguồn máu thông qua các chương trình tình nguyện. Do tính chất công việc bận rộn, những buổi lấy máu thường chỉ được tổ chức vào hai ngày cuối tuần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cán bộ của khoa ngoài thời gian cống hiến tại bệnh viện, còn tạm thời gạt những giây phút nghỉ ngơi quý giá bên gia đình trong những ngày nghỉ để thực hiện trách nhiệm với người bệnh.
Thực trạng khan hiếm máu
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi sử dụng hết khoảng 5,6 triệu ml máu. Bình thường, nguồn máu này được cung cấp từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tuy nhiên, với nhu cầu về máu phục vụ điều trị gia tăng từng ngày, ngân hàng máu lớn nhất của của cả nước cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Khan hiếm máu trở thành nỗi lo chung của cả người bệnh và đội ngũ thầy thuốc cũng như các cán bộ khoa Truyền máu. Không đủ máu cung cấp ảnh hưởng tới công việc khám chữa bệnh, làm gián đoạn quá trình điều trị của bệnh nhi đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh bởi khi mắc bệnh này các bé liên tục bị thiếu máu. Không được truyền đủ hồng cầu, bệnh nhi không chỉ mệt mỏi, quằn quại mà tính mạng còn luôn đứng giữa gianh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Và đến với những em bé mắc bệnh đang cần máu để duy trì cuộc sống(Ảnh: Minh Hạnh)
“Mỗi năm khoa Truyền máu tổ chức gần 200 đợt đi lấy máu tại các huyện ngoại thành của Hà Nội nhưng với lượng máu thu về khoảng 1000 đơn vị thì cũng chỉ dùng được trong khoảng 1 tháng, gần như liên tục thiếu máu. Mùa hè thường là giai đoạn mà tình trạng thiếu máu lên cao điểm do thời tiết nắng nóng, người dân ngại ra khỏi nhà để đến các điểm hiến máu hay khu vực máu lưu động. Mùa hè cũng là thời gian nghỉ của sinh viên-lực lượng hiến máu chính nên càng khó khăn hơn”- Chị Lan cho biết thêm
Trong bối cảnh này, hành trình yêu thương của những giọt máu lại càng trở nên ý nghĩa. Đằng sau những cuộc chiến giành giật sự sống tại bệnh viện luôn có phần đóng góp thầm lặng nhưng tràn đầy tâm huyết của các kỹ thuật viên xét nghiệm – những người đứng ở vị trí khuất bóng, nơi mà hào quang thành công hiếm khi rọi tới.
Lê Mai