Paracetamol (hay acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt thường được chỉ định điều trị các trường hợp đau và sốt từ nhẹ đến vừa như đau đầu, đau răng, đau cơ, hạ sốt,… Paracetamol hầu như không ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp hay gây kích ứng dạ dày như một số loại có cùng tác dụng khác.
Paracetamol có sẵn dưới dạng nào?
- Viên nén: 100mg, 120mg, 500mg
- Viên sủi: 500mg
- Viên nhai: 120mg
- Thuốc dạng dung dịch: 120mg/5ml, 250mg/5ml
- Thuốc dạng bột/cốm pha uống: 80mg, 150mg, 250mg
- Thuốc dạng đặt hậu môn: 80mg, 150mg, 300mg
Khi nào nên sử dụng Paracetamol?
Khi trẻ có dấu hiệu sốt (từ 38°C trở lên) hoặc đau, bạn có thể sử dụng paracetamol để làm giảm thân nhiệt và bớt khó chịu.
Lượng thuốc nên dùng cho trẻ?
Sử dụng lượng thuốc (liều dùng) phù hợp cho trẻ theo đơn thuốc của bác sĩ. Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em là từ 10-15mg/kg cách mỗi 4 giờ và không quá 4 lần/ngày.
Trong trường hợp bạn tự mua thuốc tại nhà thuốc, đọc kỹ và sử dụng theo liều dùng có trên hướng dẫn sử dụng sản phẩm (hoặc tham khảo bảng dưới). Cần liên hệ với bác sĩ/dược sĩ để có thêm tư vấn khi quý phụ huynh không chắc chắn về liều dùng cho trẻ.
Đường dùng Tuổi |
Đường uống |
Đường đặt trực tràng |
Sơ sinh 28 – 32 tuần (chỉnh theo tuổi thai) | 20mg/kg một liều duy nhất
Sau đó 10 – 15mg/kg mỗi 8-12 giờ Tối đa 30mg/kg/ngày |
20mg/kg
Sau đó 10 – 15mg/kg mỗi 12 giờ nếu cần Tối đa 30mg/kg/ngày |
Sơ sinh trên 32 tuần (chỉnh theo tuổi thai) | 20mg/kg một liều duy nhất
Sau đó 10-15mg/kg mỗi 8-12 giờ nếu cần Tối đa 60mg/kg/ngày |
30mg/kg liều ban đầu
Sau đó 15 – 20mg/kg mỗi 8 giờ Tối đa 60mg/kg/ngày |
Trẻ 1 – 3 tháng tuổi | 30 – 60mg nhắc lại sau mỗi 8 giờ | 30 – 60mg nhắc lại sau mỗi 8 giờ |
Trẻ 3 – 6 tháng tuổi | 60mg* | 60 – 125 mg* |
Trẻ 6 tháng – 1 tuổi | 120mg* | |
Trẻ 1 tuổi – 2 tuổi | 125 – 250 mg* | |
Trẻ 2 – 4 tuổi | 180mg* | |
Trẻ 4 – 5 tuổi | 240mg* | |
Trẻ 5 – 6 tuổi | 250 – 500 mg* | |
Trẻ 6 – 8 tuổi | 240mg – 250mg* | |
Trẻ 8 – 10 tuổi | 360 – 375mg* | |
Trẻ 10 – 12 tuổi | 480 – 500mg* | |
Trẻ 12 – 16 tuổi | 480 – 750mg* | 500mg* |
Trẻ 16 – 18 tuổi | 500mg – 1g* |
* Có thể nhắc lại sau 4 – 6 giờ nếu cần, tối đa 4 liều/24 giờ
Cách sử dụng của từng chế phẩm
– Viên nén: nên được nuốt với một ly nước, sữa hoặc nước trái cây. Không nên nhai viên thuốc.
– Viên sủi: hoà tan hoàn toàn viên thuốc trong khoảng 150-200ml nước trước khi uống. Không nên bẻ viên sủi.
– Viên nhai: hướng dẫn trẻ nhai viên thuốc trước khi nuốt. Không nên nuốt viên thuốc nguyên vẹn.
– Thuốc dạng dung dịch: sử dụng dụng cụ phân liều như thìa hoặc cốc có chia vạch, xy-lanh… Nếu không có dụng cụ chia liều chính xác, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng chính xác, không đùng thìa hoặc cốc thông thường.
– Thuốc dạng bột pha uống: khuấy đều trong một lượng nước vừa đủ và uống ngay sau khi pha.
– Thuốc dạng đặt hậu môn: là thuốc được bào chế để tan chảy ở nhiệt độ cơ thể trong trực tràng, không được uống. Để sử dụng thuốc cho trẻ cần thực hiện các bước:
1. Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn của trẻ
2. Rửa sạch tay bạn bằng xà phòng và nước ấm
3. Đặt trẻ nằm nghiêng , quay lưng về phía người đặt thuốc. Đặt chân dưới của trẻ duỗi thẳng, chân trên co về phía trước bụng
4. Nâng nhẹ phần mông trên để bộc lộ vùng trực tràng
5. Tháo vỏ thuốc và đặt đầu nhọn của viên thuốc hướng về phía trực tràng
6. Dùng 1 ngón tay đẩy nhẹ thuốc sâu vào trực tràng khoảng 2cm (khoảng 1/2 đốt ngón tay). Ấn giữ nhẹ 2 phần mông trong vài giây.
7. Giữ trẻ nằm nghiêng, thẳng chân trong vòng 15 phút để viên thuốc không bị rơi ra ngoài, đồng thời đảm bảo dược chất được giải phóng dần trong vùng trực tràng
8. Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm.
Thuốc có tác dụng sau khi sử dụng bao lâu?
Trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy bớt đau hoặc hạ sốt sau khoảng 30 phút sau khi uống và có thể mất đến 1 giờ sau khi đặt thuốc đường hậu môn.
Làm gì nếu trẻ bị nôn hoặc đi vệ sinh sau khi đặt thuốc?
Đối với thuốc đặt trực tràng:
- Nếu trẻ đi đại tiện sau khi đặt thuốc dưới 30 phút, hãy cho trẻ uống lại liều tương tự.
- Nếu trẻ đi đại tiện sau khi đặt thuốc trên 30 phút, bạn không cần cho trẻ uống thêm một liều nữa. Chờ cho đến liều bình thường tiếp theo.
Đối với thuốc uống:
- Nếu trẻ nôn hết hoàn toàn lượng thuốc ngay sau khi uống, hãy cho trẻ uống lại liều tương tự.
- Nếu trẻ bị nôn trên 30 phút, bạn không cần cho trẻ uống thêm một liều nữa. Chờ cho đến liều bình thường tiếp theo.
- Liên hệ bác sĩ/dược sĩ để được tư vấn nếu bạn không chắc chắn về lượng thuốc bị nôn hoặc thời điểm nôn sau khi uống.
Nếu tôi cho trẻ uống quá liều thì phải làm sao?
Ảnh hưởng của quá liều Paracetamol có thể không rõ ràng nhưng có thể nghiêm trọng và cần được điều trị. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn xử trí cụ thể.
Một số tác dụng phụ của Paracetamol
Nhìn chung, Paracetamol an toàn khi sử dụng đúng liều phù hợp.
Nếu sử dụng thuốc quá liều có thể gây độc tính trên gan không hồi phục nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, bạn phải tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, khi sử dụng Paracetamol có thể gây một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở. Nếu gặp các triệu chứng trên, nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.
Có thể dùng chung với các thuốc giảm đau, hạ sốt khác không?
Nhiều loại thuốc bạn sử dụng có thể có chứa Paracetamol (thông tin có trên nhãn sản phẩm), không nên cho trẻ dùng cùng hai loại thuốc đều có chứa hoạt chất trên vì nguy cơ quá liều.
Bạn có thể dùng cùng các loại thuốc có chứa Ibuprofen trừ khi bác sĩ yêu cầu không nên dùng.
Lưu ý chung
- Không sử dụng quá liều khuyến cáo
- Không sử dụng trong trường hợp mẫn cảm với Paracetamol
- Ghi lại thời gian sử dụng từng liều thuốc để đảm bảo bạn không cho quá liều
- Để xa tầm với của trẻ
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicinesforchildren.org.uk/paracetamol-mild-moderate-pain
- Dược thư Quốc gia Việt Nam
DS. Lê Thu Thảo – Khoa Dược, Bệnh viện Nhi Trung ương