Ngày Bệnh tim bẩm sinh thế giới (World congenital heart defect awarenness day) được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tim bẩm sinh, tôn vinh những người đang sống chung với bệnh lý này và thúc đẩy nghiên cứu, hỗ trợ điều trị. Sự kiện này cũng nằm trong Tuần lễ nhận thức về tim bẩm sinh (CHD Awareness week) diễn ra từ ngày 7 - 14/2.
Tim bẩm sinh là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em (CHD) là những dị tật của cơ tim, buồng tim, van tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai và vẫn còn tồn tại sau sinh. Do cấu trúc tim bị khiếm khuyết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng và hoạt động của tim, khiến tuần hoàn máu trong cơ thể hoạt động bất thường.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim bẩm sinh, nhiều ca bệnh được chữa khỏi hoàn toàn, mang lại kết quả tốt đẹp nhờ được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp chẩn đoán muộn, chẩn đoán không chính xác gây ra những hậu quả nặng nề, trở thành một gánh nặng trong công tác điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh là gì?
Có một số nguyên nhân tiềm ẩn cho bệnh tim bẩm sinh, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Trường hợp trẻ có bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu bố mẹ mang gen dị tật, mặc dù họ không mắc bệnh tim bẩm sinh, con sinh ra vẫn có khả năng di truyền gen dị tật
- Nhiễm độc thai: Trong quá trình mang thai, nếu mẹ sử dụng một số loại thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, ma túy…có thể gây ra dị tật tim bẩm sinh ở trẻ.
Hút thuốc trong thai kỳ là nguyên nhân số 1 gây ra các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
- Mẹ mắc bệnh trong thời gian mang thai: Nếu mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng như Herpes, Rubella, Cytomegalo… trong 3 tháng đầu thai kỳ, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tim bẩm sinh. Các bệnh như đái tháo đường, Lupus ban đỏ mắc phải trong thai kỳ cũng có thể tạo điều kiện cho dị tật tim bẩm sinh ở trẻ.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh
Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Chậm tăng cân, hay vã mồ hôi khi bú hoặc khi khóc;
- Trẻ không khóc sau khi sinh, da tím tái;
- Ho, khò khè tái đi tái lại;
- Xanh xao, chi lạnh;
- Thở nhanh, khó thở, thở không bình thường, lõm ngực;
- Bị viêm phổi hoặc nhiễm trùng hô hấp lặp đi lặp lại;
- Chậm phát triển thể chất, tâm thần;
- Tim đập bất thường, tim to, âm thổi;
- Ở trẻ sơ sinh, suy tuần hoàn có thể là biểu hiện đầu tiên của các dị tật nặng (hội chứng thiểu sản tim trái, hẹp động mạch chủ, gián đoạn động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ).
Trẻ có các triệu chứng điển hình, cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch đánh giá tình trạng và mức độ bệnh
Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng:
- Nhịp tim bất thường dẫn đến đột tử
- Tăng áp động mạch phổi
- Suy tim
- Nhiễm trùng trong tim
- Đột quỵ
- Tử vong
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn có thể được chữa lành
Ngày nay, với sự phát triển của y học bào thai, chẩn đoán trước sinh, sàng lọc sau sinh và các phương pháp phẫu thuật hiện đại, các bác sĩ có thể phát hiện, tầm soát và điều trị bệnh cho trẻ ngay từ trong thời kỳ bào thai, cũng như ngay sau sinh, góp phần cứu sống và mang lại tương lai tươi sáng cho các trẻ em mắc bệnh lý này.
Điều trị bệnh tim bẩm sinh sớm giúp trẻ có sức khỏe và năng động như các bạn cùng trang lứa
Tính đến tháng 12/2024, 850 bệnh nhi tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch đã được phẫu thuật thành công tại Trung tâm Tim mạch, với tỷ lệ thành công ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Hầu hết các ca phẫu thuật được thực hiện tại lứa tuổi sơ sinh, vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tinh thần và thể chất cho nhóm trẻ mắc tim bẩm sinh phức tạp này.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Tim mạch áp dụng và triển khai thường quy kỹ thuật phẫu thuật tim ít xâm lấn qua đường mở ngực phải (MICS). Đây là phương pháp phẫu thuật yêu cầu kỹ năng trình độ cao và các trang thiết bị hiện đại để đạt được sửa chữa hoàn hảo các dị tật tim bẩm sinh, đồng thời, giảm thời gian thở máy, thời gian hồi phục sau mổ nhanh hơn và đạt được hiệu quả về cả mặt thẩm mỹ. Tính đến nay, đã có gần 1500 bệnh nhi được phẫu thuật tim ít xâm lấn sửa chữa các dị tật tim bẩm sinh, với tỉ lệ thành công trên 99%.
Phẫu thuật tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương đạt tỷ lệ thành công ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới
Trẻ sau phẫu thuật tim bẩm sinh được cải thiện chất lượng cuộc sống, có thể học tập, sinh hoạt như trẻ bình thường và không cần đến bệnh viện khám liên tục
Thông qua việc Hưởng ứng Ngày Tim bẩm sinh Thế Giới (14/2), hãy cùng nhau nâng cao hiểu biết về bệnh lý tim bẩm sinh, tôn vinh lòng dũng cảm của những trái tim bé bỏng và gia đình các em nhỏ đang ngày ngày cùng các em chiến đấu với bệnh tật. Đồng thời, mỗi chúng ta hãy lan tỏa, giới thiệu cho cộng đồng những thành tựu y học hiện đại, chia sẻ những câu chuyện cá nhân và khuyến khích phát hiện sớm bệnh để ngày càng có nhiều trái tim lỗi nhịp được phát hiện được chữa lành.
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE