Bệnh lao (TB) là một bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2023, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau COVID-19.
Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2023, ước tính số liệu tại Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, trong đó có trẻ em.
Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội, đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Năm 2024, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao trên toàn cầu là “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT LAO). Trên cơ sở đó, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm 2024 là “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO” như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Bệnh lao trẻ em có thể chữa khỏi được với hoá trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót).
Cha mẹ, khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ mắc bệnh lao, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới
Phòng Thông tin điện tử - Viện ĐT&NCSKTE