Theo số liệu thống kê trong nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố trên tạp chí Y khoa The Lancet (Anh Quốc), hiện thế giới có hơn 1 tỷ người đang mắc bệnh béo phì, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, tương đương cứ 8 người thì có 1 người béo phì. Từ năm 1990 đến năm 2022, tỷ lệ béo phì trong dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên; tăng gấp đôi ở người lớn. Tình trạng thừa cân béo phì đang tăng nhanh trên toàn cầu, trong đó có Việt nam và dự báo khoảng 1,9 tỷ người sẽ phải sống chung với bệnh béo phì vào năm 2035 nếu không có các giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Ngày 4/3 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới phòng chống béo phì, qua đó phát động nhiều chương trình và chiến dịch kêu gọi toàn cầu cùng chia sẻ kiến thức, vận động và nhìn nhận béo phì từ mọi góc nhìn khác nhau để có cách tiếp cận phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề về béo phì.
Thế giới cần coi béo phì là bệnh nghiêm trọng và phức tạp, mở rộng khả năng tiếp cận y tế cho người béo phì, tăng cường nhận thức về béo phì thông qua các chương trình và giáo dục, ứng xử với béo phì dựa trên căn cứ khoa học.
TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hoá, Di truyền và Liệu pháp phân tử
Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Thiết kế: Phạm Thao