Trang chủ » Y học thường thức » Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng – Nỗi ám ảnh mùa hè và kỳ nghỉ lễ đang tới gần: Cần chủ động phòng tránh

Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng – Nỗi ám ảnh mùa hè và kỳ nghỉ lễ đang tới gần: Cần chủ động phòng tránh

Dù mới bước vào đầu hè, nhưng chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi,... chưa đảm bảo điều kiện an toàn.

Đuối nước ở trẻ em – nỗi ám ảnh khi hè đến

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những năm qua cũng đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng, nguy kịch vì tai nạn này.

Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đồng thời, thời điểm này trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao hồ cùng bạn. Đuối nước có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối, trẻ nhỏ khi đi bơi vô tình sang bể bơi người lớn, thậm chí có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút khi bơi, bạn bè nô đùa trong nước vô tình gây thương tích.

Bé trai ngã xuống hồ cá

Ngày 22/4, trong lúc mẹ bận làm việc, bé H.T (nam, 2 tuổi, ở Hà Nội) đã chạy sang nhà hàng xóm chơi và không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2 mét không có rào chắn xung quanh. Theo camera ghi nhận sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, trẻ mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, gia đình đã hô hoán mọi người giúp đỡ và được các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cấp cứu tại chỗ. Sau 10 phút, H.T có tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5km. Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu, đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.

Hai trẻ đuối nước do đi tắm ở ao, suối với bạn bè

Hai trường hợp tiếp theo được Bệnh viện tiếp nhận là bé N.K (nữ, 12 tuổi, ở Hà Nội) và bé A.T (nam 11 tuổi, ở Mộc Châu). Hoàn cảnh gặp nạn của 2 trẻ khá giống nhau, qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết trong lúc trẻ đi tắm ở ao, suối cùng các bạn thì bị đuối nước. Trẻ được mọi người xung quanh đưa lên bờ trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở và được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Cả hai trẻ đều được người dân dốc ngược và chạy khoảng 2 vòng nhỏ theo thói quen dân gian. Sau 15 phút cấp cứu ngừng tim ngừng thở, trẻ có tim và nhịp thở trở lại, trẻ được đưa vào viện địa phương xử trí ban đầu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, vẫn trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu.

Áp dụng đồng thời nhiều biện pháp hồi sức tích cực, nỗ lực cứu sống bệnh nhi

Theo ThS.BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương: Các bệnh nhi đuối nước nhập viện thường trong 2 tình trạng chính là suy đa cơ quan do hậu quả sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng – hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít. Cả 3 bệnh nhi này đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn và được áp dụng các biện pháp điều trị như: hỗ trợ chức nặng đa tạng, lọc máu liên tục khi có suy thận, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, sử dụng các thuốc trợ tim, hạ thận nhiệt bảo vệ não. Tùy vào bệnh cảnh lâm sàng của mỗi bệnh nhi mà các biện pháp được áp dụng linh hoạt, cá thể hóa…

Sau 3 ngày, bệnh nhi N.K và A.T đã tỉnh, tự thở và có thể ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, trẻ cần phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.

Bệnh nhi may mắn được cứu sống sau 3 ngày hôn mê vì đuối nước

Riêng trường hợp bé H.T, do tiên lượng nặng nề nên hiện tại, trẻ vẫn đang trong giai đoạn hạ nhiệt độ bảo vệ não, theo dõi chặt chẽ, kiểm soát chức năng cơ quan và sẽ có kế hoạch đánh giá mức độ tỉnh, chức năng thần kinh toàn diện khi trẻ qua giai đoạn nặng.

Bé H.T đang được các bác sĩ điều trị tích cực, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất xấu

Cần sự vào cuộc của cả gia đình và cộng đồng trong việc phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em

Dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng, tình trạng sơ cấp cứu ban đầu sai cách bằng dốc ngược nạn nhân chạy vẫn xảy ra. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng:

  • Các xô, chậu, chum chứa nước phải được đậy nắp, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ vì nhiều em bé có thể bị đuối nước do ngã vào xô chứa nước.
  • Ao, hồ, giếng khơi cần có rào chắn, đảm bảo trẻ nhỏ không thể tự ý đi vào.
  • Các khu vực bơi công cộng phải thiết kế độ sâu phù hợp với lứa tuổi, có đầy đủ phương tiện cứu hộ, cấp cứu và được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.
  • Người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.
  • Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.
  • Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm, không đùa nhau khi bơi.
  • Tuyên truyền, phổ biến các biện pháp sơ cấp cứu đuối nước đúng cách cho người dân.
  • Tổ chức các lớp tập huấn cấp cứu cơ bản cho cộng đồng, tiến tới thay đổi thực hành, tránh những động tác hành động sai khi cấp cứu.

Mời quý vị phụ huynh xem video “Cấp cứu trẻ bị đuối nước” do Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Trung ương xây dựng dưới đây để trang bị kiến thức, kỹ năng đúng về cấp cứu trẻ bị đuối nước:

Ngoài ra, vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới do được nghỉ dài ngày, các gia đình thường đi du lịch hoặc về quê, trẻ em cùng gia đình sẽ được nghỉ ngơi, tham gia nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm bổ ích. Tuy nhiên, bên cạnh nhũng lợi ích đó, không chỉ đuối nước mà các tai nạn thương tích khác luôn rình rập trẻ em. Cha mẹ cần lưu ý bảo đảm an toàn cho trẻ, phòng tránh các tai nạn thương tích như: Ngộ độc thực phẩm; bỏng; té ngã; hóc dị vật; ngộ độc hóa chất, thuốc, độc chất; tai nạn giao thông; điện giật; gia súc, gia cầm cắn;…

ThS.BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em