Jillian Johnson (Mỹ) mất con trai do vô tình để bé bị đói kiệt chỉ 19 ngày sau khi sinh. Jillian nói chị cảm thấy áp lực phải cho bé Landon bú mẹ hoàn toàn từ phía bệnh viện 'Thân thiện với bé'. Kết quả là Landon không nhận đủ sữa non trong những ngày đầu và bị ngừng tim do mất nước 12 giờ sau khi ra viện.
Chị Jillian chia sẻ: “Chúng tôi chọn sinh Landon tại bệnh viện ‘Thân thiện với bé’ – điều này nghĩa là mọi thứ đều được vận hành phục vụ cho nuôi con bằng sữa mẹ. Tất cả các lớp học chúng tôi tham dự, dù là lớp học cho con bú hay lớp học sinh con, tất cả đều thúc đẩy việc cho con bú”. Chị nói chị được dạy để hiểu rằng cho con bú là lựa chọn duy nhất khi nuôi con.
“Tôi thậm chí không thể nói áp lực là từ đủ để diễn tả, mọi thứ đều đẩy quá mạnh, bạn cảm thấy bị tẩy não. Bạn cảm thấy như bạn là con người kinh khủng nếu cho con bú bình, và bạn muốn làm tất cả những gì có thể để đảm bảo bé được bú mẹ và không bú bình”.
Cảm giác đau buồn mà Jillian chịu đựng sau khi mất con do vô tình để bé đói kiệt rất khó để chị diễn tả bằng lời.
“Đó thực sự không phải điều bạn có thể diễn tả thành lời để ai đó hiểu nếu họ chưa bị mất con, nhưng có một khoảng trống. Có một khoảng trống trong tim chúng tôi. Và nó không thể lấp đầy. Lẽ ra con đã lên 5, lẽ ra con đã bắt đầu đi mẫu giáo năm nay. Những ngày nghỉ lễ thật sự khó khăn vì ý nghĩ con sẽ chọn bộ đồ gì cho ngày lễ Halloween năm nay? Chúng tôi sẽ mua gì để tặng con trong dịp lễ Giáng sinh?
Jillian hiện đã có 2 con, bé Stella gần 4 tuổi và bé Alioona 18 tháng, cả hai đều được nuôi bằng cả sữa mẹ và sữa công thức. Chị chia sẻ kinh nghiệm của mình trên trang ‘Fed is Best’ để giúp các phụ huynh khác, những người có thể cảm thấy áp lực tương tự về việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
“Chẳng có gì sai trong việc cho con bú bình. Cuối cùng, bạn muốn điều gì hơn – một đứa con không còn trên thế gian này vì bạn cố hết sức để cho bé bú mẹ? Hay bạn muốn được nuôi dậy con, vì bạn không sợ và cho con bú bình? Chẳng có gì sai trong việc bổ sung sữa bình. Điều quan trọng nhất là con bạn nhận đầy đủ những thứ bé cần, kể cả nếu đó là những ngày đầu tiên sau sinh. Tôi biết những phụ nữ phải cho con bổ sung sữa bình trong vài ngày đầu và vẫn không phải cho bé bú bình sau đó”.
Jillian nói phản ứng với bài viết của chị là lẫn lộn.
“Tất nhiên có rất nhiều ý kiến trái chiều đi xa tới mức đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại phản đối việc nuôi con bằng sữa mẹ? Chúng tôi không chống lại nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu chúng tôi làm việc đó, con của chúng tôi ắt hẳn vẫn còn sống. Có nhiều phụ nữ và thậm chí là chồng của họ đã lên tiếng và nói chúng tôi đã trải qua điều này. Có thể chúng tôi không mất con nhưng chúng tôi đã phải đưa con nhập viện trở lại, hoặc cũng suýt xảy ra bất hạnh.
Jillian khuyến cáo các phụ huynh nếu nghĩ có điều gì không ổn thì đừng ngần ngại hỏi các bác sĩ và y tá cho thật cặn kẽ, cho tới khi bạn cảm thấy mình được quan tâm, và con mình được quan tâm.
Jillian cũng cho rằng điều quan trọng là cộng đồng phải đoàn kết thành một khối để hỗ trợ các bà mẹ, bất kể phương pháp nuôi con của họ là gì.
“Là một cộng đồng, chúng ta cần quan tâm tới nhau. Số lượng các bà mẹ đã nói rằng ”Tôi muốn được nghe câu chuyện này để có thể tự mình nói ra” là đáng ngạc nhiên. Chúng ta không nên xấu hổ về cách chúng ta chọn để nuôi con một khi bé được no bụng”.
5 năm sau cái chết của con trai, Jillian vẫn chới với vì mất mát, nhưng chị hy vọng câu chuyện của mình có thể giúp ngăn ngừa những cái chết tương tự.“Chúng tôi có một cây nến dành cho con, nó được thắp sáng vào những ngày lễ. Vào ngày sinh nhật của con, chúng tôi luôn quay lại một bãi biển quen thuộc, chúng tôi viết tên con lên cát khi mặt trời lặn. Chúng tôi có hai bé gái và các con biết về anh của mình. Chúng tôi nói về Landon, treo các bức hình của con trong nhà. Con sẽ luôn là một phần cuộc sống của chúng tôi. Giờ chúng tôi muốn làm những việc lớn hơn nhân danh con và giúp các cha mẹ khác khỏi bị mất con của mình”.
BS Trần Thu Thủy (theo People)