Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Nối búp ngón tay đứt rời cho bé gái bị kẹp tay vào cửa – Bác sĩ hướng dẫn cách bảo quản chi thể đứt rời đúng cách

Nối búp ngón tay đứt rời cho bé gái bị kẹp tay vào cửa – Bác sĩ hướng dẫn cách bảo quản chi thể đứt rời đúng cách

Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, trẻ lại chưa có ý thức và kỹ năng để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp tai nạn, trong đó kẹp ngón tay là tại nạn thương tích rất hay gặp. Vừa qua, các y bác sĩ khoa Chỉnh hình - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bé gái (3 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng búp ngón tay bị đứt lìa do bị kẹp tay vào cửa.

Gia đình bệnh nhi cho biết: Trước khi nhập viện, trẻ cùng mẹ đi siêu thị không may bị kẹp tay vào cửa kính thủy lực và bị đứt lìa búp ngón II tay trái. Sau khi được sơ cấp cứu tại bệnh viện địa phương, trẻ nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Tình trạng ngón tay trẻ thời điểm nhập viện

BS Nguyễn Vũ Hoàng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương – người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhi cho biết: Trẻ nhập viện trong tình trạng vết thương ngón II tay trái, vị trí đốt 3, đứt rời ¾ búp ngón cùng giường móng, lộ xương. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời, xử lý vùng mềm dập nát, đặt lại móng, khâu tạo hình ngón, do đó đã tránh được nguy cơ phải cắt cụt đốt ngón tay cho trẻ.

Sau phẫu thuật trẻ được dùng kháng sinh, chống phù nề, giảm đau, định kỳ thay băng vết thương 2 ngày/lần để đánh giá tổn thương. Sau hơn 10 ngày điều trị, vết thương khô, đầu ngón tay trẻ hồng ấm, sức khỏe tiến triển tốt nên đã được xuất viện.

Tình trạng vết thương sau 15 ngày xuất viện của bệnh nhi

BS Nguyễn Vũ Hoàng cho biết thêm và khuyến cáo: “Hàng năm, khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ vào viện điều trị do kẹp tay vào cửa gây tổn thương tay như bong móng, dập búp ngón tay, vỡ xương, đứt rời…gây đau đớn cho trẻ.

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ, tránh để trẻ đùa nghịch với các cánh cửa. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ nên chọn lựa những loại cửa nhẹ, cần có tay đóng mở thuỷ lực để đảm bảo an toàn, đặc biệt là với nhà ở chung cư, vì gió lùa rất mạnh”.

Cách bảo quản chi thể đứt rời đúng cách

Tai nạn khiến chi bị đứt rời ở trẻ em là một tình trạng cấp cứu. Chính vì vậy, việc sơ cứu và bảo quản chi bị đứt lìa đúng cách là yếu tố quyết định sự thành công của phẫu thuật ghép nối phần chi bị đứt rời cũng như khả năng hồi phục của trẻ. Theo các bác sĩ, trong trường hợp trẻ không may gặp tai nạn khiến chi bị đứt lìa, người sơ cứu cần bảo quản chi bị đứt rời bằng cách:

Bước 1: Rửa sạch chi đứt rời bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch. Tuyệt đối không rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất.

Bước 2: Bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào hộp nhựa kín.

Bước 3: Đặt hộp vào thùng đá lạnh.

Bước 4: Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được phẫu thuật kịp thời.

Lưu ý: Đối với phần chi chưa hoàn toàn đứt lìa mà vẫn còn dính lại một phần trên da, người sơ cứu không được cắt rời mà nên nhẹ nhàng rửa sạch bằng nước muối sinh lý, đặt chi ở tư thế sinh lý (tư thế tự nhiên của chi) và dùng băng ép hoặc gạc vô khuẩn băng kín vết thương lại rồi đặt túi đá ở bên cạnh để giữ nhiệt (tránh đặt trực tiếp đá lạnh lên vết thương) và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được phẫu thuật kịp thời.

Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em