Từ đầu năm đến nay, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi TƯ đã dùng robot mổ nội soi thành công cho nhiều bệnh nhi. Điều này không chỉ đánh dấu bước tiến mới của y học nước ta mà còn mở ra hi vọng cho nhiều trẻ mắc bệnh nặng.
An toàn
Theo thạc sĩ Đặng Hanh Tiệp, Phó khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Nhi Trung ương), hầu hết trẻ được robot phẫu thuật, bệnh tình rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy nhiên, robot thực hiện rất chính xác, vết mổ hẹp, ngắn và an toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh, thậm chí có trường hợp mổ xong vài giờ đã xuất viện. Gần đây nhất, ngày 27/2, robot đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bé Nguyễn Trà My (4 tuổi, ở Nam Định) bị bệnh u nang ống mật chủ. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, khi mật bị giãn quá mức, sẽ gây thủng, dẫn đến viêm phúc mạc và chảy máu đường mật, gây viêm loét các mạch máu trong ống mật, đe dọa tính mạng người mắc bệnh. Kíp mổ do tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Phó trưởng Khoa ngoại cùng tập thể y, bác sĩ bệnh viện thực hiện. Chỉ trong 3 giờ, ca mổ đã thành công, 2 ngày sau mổ, bệnh nhi đã xuất viện.
Tiến sĩ Hiền cho biết, mổ bằng robot giúp phẫu thuật viên đỡ tốn sức hơn so với mổ nội soi thông thường, cụ thể: Phẫu thuật viên ngồi trong tư thế thoải mái để điều khiển; hai khớp vai không phải cử động, các thao tác chủ yếu thông qua 2 khớp cổ tay; phẫu thuật viên không phải thay đổi tư thế khi bóc tách hoặc khâu nối ở vùng khó khăn. Các cánh tay robot có thể quay được nhiều góc cạnh, mà phẫu thuật viên không thể thực hiện được nên có khả năng phẫu thuật ở những vị trí khó, với độ chính xác từng milimet.
Phẫu thuật được nhiều loại bệnh
Ý tưởng sử dụng robot trong phẫu thuật đã được GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ấp ủ từ năm 2003. Sau nhiều lần đề xuất lên cấp trên, năm 2013, bệnh viện được Chính phủ cấp kinh phí mua robot với số tiền 87 tỷ đồng. Sau đó, bác sĩ Hiền và một số đồng nghiệp được cử sang Hàn Quốc đào tạo 3 tháng. Hiện nhiều bác sĩ của bệnh đã điều khiển robot thực hiện phẫu thuật thành thạo.
Chi phí phẫu thuật bằng robot tại nước ta trung bình từ 3.000 USD đến 5.000 USD/ca (từ trên 60 triệu đến hơn 100 triệu đồng). Trong khi ở nước ngoài, giá cho một ca phẫu thuật nội soi có hỗ trợ robot khoảng 30.000 USD (trên 630 triệu đồng). Tuy nhiên, chi phí trên vẫn cao so với thu nhập trung bình của người dân nước ta. “Chi phí phẫu thuật bằng robot cao vì dụng cụ mổ rất đắt, ví như dao mổ có giá cả trăm triệu đồng nhưng chỉ dùng được vài ca là phải thay”, bác sĩ Tiệp cho hay.
PGS. TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, robot có thể hỗ trợ phẫu thuật nhiều loại bệnh như: U nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, sản phụ khoa. Việc ứng dụng robot trong mổ nội soi tạo điều kiện cho các bác sĩ trong nước có thể thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm quốc tế, đồng thời hỗ trợ điều trị nhiều ca bệnh khó, đem lại cơ hội cho bệnh nhi. Đây còn là nền tảng để Việt Nam thực hiện kế hoạch phẫu thuật từ xa, mổ cho trẻ ở những vùng xa xôi, khi cần thiết.
* Đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã sử dụng robot phẫu thuật chop 10 bệnh nhi. Sau mổ, sức khỏe các bệnh nhi hồi phục tốt và không có biến chứng.
* Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, người trực tiếp phụ trách mổ bằng robot của bệnh viện, cho biết, robot có 3 bộ phận, gồm: Trạm điều khiển của phẫu thuật viên; hệ thống xử lý tín hiệu, hình ảnh (bộ não robot) và hệ thống cánh tay. Trạm điều khiển gồm nơi ngồi của phẫu thuật viên, có hệ thống màn hình 3D, camera, bàn đạp và hệ thống micro truyền thông tin. Khi phẫu thuật, kỹ thuật viên làm những động tác ảo từ đôi tay. Mọi hành động của kỹ thuật viên được chuyển đến bộ phận thứ hai. Bộ não robot sẽ xử lý thông tin, sau đó truyền đến hệ thống cánh tay. Đây là bộ phận trực tiếp thực hiện các thao tác mổ trên bệnh nhân. Với 4 cánh tay, được trang bị hệ thống dao mổ, kìm, kẹp hiện đại… tay robot có thể xoay được các tư thế, góc độ nên thuận lợn khi thực hiện phẫu thuật những ca bệnh khó.