Gián đoạn quai động mạch chủ (GĐQĐMC) là một dạng dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, chiếm khoảng 1,5% tổng số các bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, tỷ lệ tử vong trong năm đầu đời lên tới > 90%. Tuy nhiên, ngày nay với sự tiến bộ của y học và sự phối hợp giữa hai chuyên ngành Sản - Nhi chặt chẽ, cơ hội sống cho những trẻ mắc bệnh lý này ngày càng được nâng cao. Mới đây các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phối hợp thành công cứu sống bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp này.
Bệnh nhi là bé gái Z.T.T (quốc tịch Singapore) con của chị T người Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Singapore. Khai thác bệnh sử, chị T cho biết: “Khi mang thai ở tuần thứ 20, chị được các bác sĩ lần lượt tại 3 bệnh viện lớn ở Singapore chẩn đoán thai nhi mắc dị tật tim bẩm sinh phức tạp, hội chứng thiểu sản tim trái. Các bác sĩ Singapore đánh giá việc can thiệp cho thai nhi sau sinh sẽ vô cùng phức tạp, tỷ lệ thành công rất thấp và chi phí tốn kém. Tuy nhiên, với tình yêu dành cho con, chị T đã quyết tâm giữ lại thai nhi, chấp nhận mọi rủi ro. Không ngừng tìm kiếm cơ hội tốt nhất, vợ chồng chị T quyết định trở về Việt Nam để tìm hy vọng”.
Tại Việt Nam, sau khi thăm khám tại một số bệnh viện và nhận được những tư vấn tương tự như ở Singapore, gia đình chị T cuối cùng tìm đến Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong điều trị và phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp cho trẻ em. Tại đây, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã tiến hành siêu âm tim thai xác định tình trạng của thai nhi với chẩn đoán GĐQĐMC kèm lỗ thông liên thất lớn. Đồng thời PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tư vấn trực tiếp cho gia đình chị T về tiên lượng khả quan của em bé, đồng thời chăm sóc thai nhi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đảm bảo quy trình chăm sóc sức khỏe tối ưu cho mẹ và bé trước khi sinh.
Hành trình hồi sinh trái tim cho bệnh nhi
TS.BS Đinh Thúy Linh – Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh và Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Ngay khi tiếp nhận thai phụ ở tuần thai thứ 25, Bệnh viện xác định trường hợp của bé Z.T.T là vô cùng phức tạp và đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ của các y bác sĩ. Bệnh viện đã xây dựng các quy trình hội chẩn thường quy tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và liên hệ hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho cả mẹ và bé.
“Chúng tôi kịp thời xác định được thời điểm cần lấy thai ra nếu em bé có tình trạng đóng ống động mạch sớm trong thời kỳ bào thai để đảm bảo tình trạng an toàn cho thai phụ. Với các bệnh nhi có bệnh lý phụ thuộc ống, giống như bệnh nhi này hoặc các bệnh lý tương tự thì chiến lược theo dõi rất đặc biệt và sát sao. Đồng thời, lịch khám lại của thai phụ cũng sẽ dày hơn.” – TS.BS Đinh Thúy Linh chia sẻ.
Ngày 18/11, khi thai nhi được 38 tuần, bé Z.T.T chào đời, cân nặng 2.750g, rất nhanh chóng trẻ được các bác sĩ tiến hành hồi sức sau sinh và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tim,…để đánh giá toàn trạng. Khoảng 3 giờ sau sinh, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thực hiện phẫu thuật can thiệp. Với tình trạng tim bẩm sinh phức tạp, các bác sĩ đã phải rất cẩn thận, tỉ mỉ thực hiện các bước vận chuyển an toàn cho trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chăm sóc tích cực tại Khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe cho ca đại phẫu thuật. Ngày 25/11, trẻ được PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch trực tiếp phẫu thuật.
“Do có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, các bác sĩ đã tiến hành sửa lại quai động mạch chủ và vá thông liên thất cho trẻ, tất cả các tổn thương của trẻ đều được sửa chữa trong một lần mổ.” – PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại Tim mạch. Tại đây, trẻ được các bác sĩ theo dõi sát sao, hỗ trợ thuốc trợ tim, vận mạch, truyền máu, điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng. Rất may mắn, sau một tuần điều trị tích cực sau mổ, trẻ được ghép mẹ, ngày 19/12 trẻ được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và các bác sĩ.
Chia sẻ ngày con được ra viện, chị T xúc động cho biết: “Từ sự tuyệt vọng ban đầu, giờ đây gia đình tôi đã tìm thấy niềm vui và hy vọng. Gia đình chúng tôi cảm ơn các bác sĩ rất nhiều.”
Phối hợp Sản – Nhi – tương lai tươi sáng cho nhiều bệnh nhi mắc tim bẩm sinh phức tạp
PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết: Công tác hội chẩn liên viện giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trở thành mô hình hiệu quả trong việc cứu sống và cải thiện chất lượng sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh lý phức tạp. Các cuộc hội chẩn được hai bên tổ chức định kỳ, quy tụ các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về Nhi khoa và Sản khoa. Nhờ sự đồng lòng và phối hợp nhịp nhàng, nhiều giải pháp theo dõi và can thiệp kịp thời đã được đưa ra, giúp cứu sống nhiều bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp.
Qua trường hợp của bé Z.T.T, các bác sĩ cũng muốn gửi gắm thông điệp đến các bậc cha mẹ rằng: Nếu trẻ không may được phát hiện mắc dị tật tim bẩm sinh trong quá trình mang thai, gia đình không nên đình chỉ thai nghén. Với sự tiến bộ của y học hiện đại cùng sự nỗ lực hết sức của các y bác sĩ, trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh phức tạp vẫn có cơ hội sống khỏe mạnh như những trẻ bình thường khác nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời. Hãy luôn giữ niềm tin và đừng từ bỏ hy vọng chữa bệnh cho con.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những Trung tâm Tim mạch tuyến cuối lớn nhất của cả nước. Hàng năm, Trung tâm thực hiện hơn 1.000 ca tim mở, trên 500 ca phẫu thuật tim kín, trên 500 ca can thiệp tim mạch và can thiệp điện sinh lý đã mang lại sự sống và trái tim khỏe mạnh cho hàng chục nghìn trẻ em Việt Nam với tỷ lệ thành công ngang bằng với các trung tâm Tim mạch tại các nước phát triển. |
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE