Tá dược là gì?
Tá dược là các thành phần không có tác dụng chữa bệnh, được thêm vào công thức thuốc nhằm các mục đích sau:
- Cải thiện vị khó chịu của thuốc, ví dụ đường và các chất có vị ngọt
- Tăng độ nhớt của dung dịch và khiến chúng dễ rót hơn, ví dụ methylcellulose, ethylcellulose…
- Tăng độ tan của hoạt chất (thành phần trong công thức thuốc có tác dụng điều trị), ví dụ thêm một lượng nhỏ ethanol để hoà tan hoạt chất trong một số công thức thuốc dạng lỏng,
- Thuốc dễ sử dụng hơn: lượng hoạt chất thường rất nhỏ nên các tá dược độn sẽ được thêm vào để tăng kích thước viên thuốc, khiến viên thuốc có thể cầm nắm được,
- Tăng lượng thuốc được hấp thu: các tá dược rã sẽ được thêm vào viên nén để viên tan rã trong dạ dày, nhờ đó cơ thể hấp thu được hoạt chất,
- Thuốc sử dụng được lâu hơn: một số chất bảo quản được thêm vào công thức giúp kéo dài thời hạn sử dụng của thuốc.
Làm sao để biết các tá dược chứa trong công thức thuốc?
Các tá dược được liệt kê trong tờ thông tin sản phẩm của nhà sản xuất.
Có nguy cơ gì với các tá dược chứa trong công thức?
Tất cả các tá dược đã được xem xét bởi các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu con bạn dị ứng với bất kì thành phần nào trong công thức thuốc. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc khác phù hợp cho con bạn.
Tuy nhiên, phần lớn các thuốc chứa một lượng rất nhỏ tá dược và không gây ra bất kì vấn đề gì cho người sử dụng.
Nói với dược sĩ nếu trẻ cần tránh các thành phần sau đây
- Dầu lạc: được dùng để hòa tan một số thuốc, đặc biệt là vitamin D nhỏ giọt. Nếu trẻ dị ứng với lạc, nói với dược sĩ để lựa chọn dạng thuốc khác.
- Aspartame: chất làm ngọt nhân tạo này có thể được sử dụng thay đường. Trẻ mắc phenylketo niệu nên tránh dùng aspartame vì chất này được chuyển hóa thành phenylalanyl trong cơ thể.
- Gluten: hầu hết các thuốc không chứa gluten. Tuy nhiên thuốc vẫn có thể chứa tinh bột mì, nên tránh ở những bệnh nhân không dung nạp gluten.
- Chất màu: một số người mẫn cảm với chất tạo màu trong dung dịch thuốc.
- Đường: bệnh nhân tiểu đường nên nhận thức về lượng đường chứa trong thuốc. Tốt nhất nên sử dụng các loại thuốc không chứa đường.
- Chất bảo quản như paraben (methyl, ethyl, propyl hydroxylbenzoat) có mối liên quan với các phản ứng dị ứng. Một số chất bảo quản khác cần được tránh ở trẻ sơ sinh như natri benzoat.
Một số tá dược bạn có thể cần tránh sử dụng
- Lactose: lượng lactose chứa trong viên nén rất nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng đến người không dung nạp với lactose hay kém hấp thu glucose-galactose.
- Các loại rượu: ethanol- một trong các loại rượu không nên có trong các sản phẩm thuốc dành cho trẻ em. Ở người lớn, lượng tá dược này trong công thức thường rất nhỏ, ít hơn 100 mg mỗi liều.
- Propylenglycol: đã ghi nhận trường hợp ngộ độc propylen glycol ở trẻ sinh non (<1500g) sau khi dùng 3000 mg/ngày trong thời gian dài (ít nhất 5 ngày).
- Manitol hay sorbitol: các chất làm ngọt nhân tạo này có thể gây tiêu chảy hoặc phân mềm nhưng hiếm xảy ra vì lượng các chất này trong công thức thuốc thường rất nhỏ.
Tài liệu tham khảo
- https://www.medicinesforchildren.org.uk/excipients-children%E2%80%99s-medicines
- Excipients in Neonatal Medicinal Products: Never Prescribed, Commonly Administered ( https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30174435/)
ThS. DS Nguyễn Nguyệt Minh – Khoa Dược, Bệnh viện Nhi Trung ương