Bệnh béo phì ở trẻ em đã trở nên phổ biến ở tất cả các quốc gia, gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, kháng insulin và các vấn đề về tâm lý (như lo âu, trầm cảm). Các phương pháp điều trị như thay đổi lối sống hoặc phẫu thuật cắt dạ dày hay dùng thuốc đều cho thấy những cải thiện tích cực về sức khoẻ trong cả ngắn hạn và dài hạn ở trẻ em béo phì. Tại Thuỵ Điển, nhiều phương pháp điều trị béo phì cho thấy hiệu quả rõ rệt trong hơn 15 năm qua. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác động của hiệu quả điều trị béo phì ở trẻ em lên các kết cục và tử vong liên quan tới béo phì ở thanh thiếu niên.
1. Phương pháp nghiên cứu
1.1. Thiết kế nghiên cứu và quần thể nghiên cứu
– Nghiên cứu thuần tập tiến cứu sử dụng dữ liệu quốc gia của Thuỵ Điển.
– Tiêu chuẩn lựa chọn: trẻ em béo phì, bắt đầu điều trị khi trong độ tuổi 6 – 17 tuổi, đã điều trị ít nhất 1 năm trước 18 tuổi, và đã đăng ký vào chương trình điều trị béo phì quốc gia (BORIS) giai đoạn 1996 – 2019.
Nhóm nghiên cứu được ghép cặp với nhóm chứng (từ dữ liệu dân số chung) theo tỷ lệ 1 : 5 dựa trên giới tính, năm sinh và khu vực địa lý sinh sống.
Các kết quả được đánh giá trong giai đoạn theo dõi từ ngày người bệnh đủ 18 tuổi cho tới khi xuất hiện bệnh, phẫu thuật cắt dạ dày, tử vong, di cư, tròn 30 tuổi hoặc ngày 31/12/2020 (tuỳ theo sự kiện nào đến trước) (Hình 1).
Hình 1: Sơ đồ thiết kế nghiên cứu
– Tiêu chuẩn loại trừ: mắc hội chứng di truyền, di cư, đã thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày, hoặc tử vong trước giai đoạn theo dõi và một số tiêu chí cụ thể theo kết cục (ví dụ thu thập đái tháo đường typ 2, loại trừ đái tháo đường typ 1).
1.2. Quy ước nghiên cứu
– Thông tin về tính hiệu quả của điều trị béo phì ở trẻ được lấy từ dữ liệu BORIS và dựa trên những thay đổi về điểm lệch chuẩn của chỉ số khối cơ thể (BMI SDS) (BMI tính theo công thức [cân nặng (kg)] / [chiều cao (m)]2) giữa lần khám đầu tiên và lần khám cuối cùng trong quá trình điều trị béo phì. Phân loại dựa trên tính hiệu quả của điều trị:
- Đáp ứng kém: BMI SDS tăng ≥ 0,25;
- Đáp ứng trung bình: BMI SDS thay đổi trong khoảng từ giảm 0,24 tới tăng 0,24;
- Đáp ứng tốt: BMI SDS giảm ≥ 0,25;
- Thoái lui: không còn bệnh béo phì dựa trên các tiêu chí quốc tế.
– Các kết cục bao gồm đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, trầm cảm hoặc lo âu, phẫu thuật cắt dạ dày và tử vong.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Quần thể nghiên cứu
Nghiên cứu thu thập 6.713 bệnh nhân (56,3% giới tính nam). Các đặc điểm quần thể nghiên cứu được tổng hợp trong Bảng 1. Bên cạnh đó, có tổng cộng 32.402 bệnh nhân từ quần thể chung được đưa vào nghiên cứu để ghép cặp.
Bảng 1 : Đặc điểm quần thể nghiên cứu
2.2. Đánh giá các kết cục liên quan tới béo phì
Tỷ lệ gặp phải các kết cục của nhóm nghiên cứu và nhóm chứng được trình bày tại Bảng 2. Trong đó, tỷ lệ này thấp nhất ở nhóm chứng, theo sau là nhóm thoái lui và nhóm đáp ứng điều trị tốt, cao nhất là nhóm đáp ứng điều trị kém. Đáng chú ý, trong phân tích thô nhóm đáp ứng điều trị tốt hơn ghi nhận tỷ lệ mắc trầm cảm hoặc lo âu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, kết quả sau khi hiệu chỉnh với các yếu tố nhân trắc học lại không cho thấy mối liên quan giữa điều trị béo phì với nguy cơ trầm cảm hoặc lo âu khi đến tuổi thành niên.
Bảng 2: Tỷ lệ mắc (mỗi 100.000 người-năm) chưa hiệu chỉnh và tỷ suất nguy cơ (HR) của mỗi kết cục liên quan tới béo phì
3. Kết luận
Nghiên cứu quy mô quốc gia này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng đáp ứng có lợi với việc điều trị béo phì ở trẻ em có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa khi đến tuổi thành niên. Mức giảm nguy cơ lớn nhất đã được chứng minh ở những người thoái lui béo phì thành công khi còn nhỏ. Tuy nhiên, điều trị béo phì hiệu quả không làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm hoặc lo âu trong dài hạn.
4. Lời bình của biên tập viên
Ở Việt Nam, số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5 – 19 tuổi tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19,0% năm 2020. Theo quyết định 2892/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 22/10/2022 về việc ban hành tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì, nguyên tắc chung trong điều trị bệnh béo phì bao gồm can thiệp lối sống (điều trị nền tảng), điều trị bằng thuốc (nếu can thiệp lối sống không có hiệu quả sau 3 tháng), và phối hợp đa chuyên khoa. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc tiếp cận trẻ béo phì chủ yếu thông qua tư vấn nhằm thay đổi lối sống, đây cũng là phương pháp điều trị quan trọng nhất và ít tốn kém nhất. Từ kết quả của nghiên cứu này, việc áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện hay thậm chí làm thoái lui tình trạng béo phì sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch khi đến tuổi trưởng thành.
Biên tập: DS. Nguyễn Việt Anh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: JAMA Pediatr. 2025;179(3):302-309. DOI: 10.1001/jamapediatrics.2024.5552