Ghép thận là gì?
Ghép thận là một quá trình phẫu thuật, đưa quả thận khỏe mạnh từ cơ thể của một người khác được vào cơ thể của một người mà thận không còn hoạt động bình thường nữa. Bác sĩ sẽ giải thích với bạn rằng con bạn cần phẫu thuật ghép thận này vì thận của con bạn đã đến giai đoạn không thể thực hiện tất cả các chức năng cần thiết để giữ cho con bạn khỏe mạnh.
Trước khi ghép thận, con bạn có được sử dụng phương pháp lọc thận nhân tạo nào không? Các phương pháp đó đều có tác dụng điều trị thay thế thận tốt nhưng không duy trì được mãi mãi. Nếu con bạn được ghép thận thì sẽ không cần lọc máu hay phải ăn kiêng đặc biệt gì nữa và cũng hy vọng con sẽ có cuộc sống chất lượng tốt hơn.
Gia đình bạn sẽ phải có sự chuẩn bị cho việc ghép thận cho con. Quả thận mới có thể được nhận từ người thân (người hiến tặng còn sống) hoặc có thể đến từ một người đã qua đời (người hiến tặng đã qua đời). Công việc ghép thận sẽ được diễn ra trong phòng phẫu thuật và con sẽ được gây mê hoàn toàn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường ở bụng của con bạn xuống phía dưới bên trái hoặc bên phải tùy thuộc vào vị trí mà quả thận mới sẽ phù hợp nhất. Thận cũ của con bạn sẽ được giữ nguyên trừ khi có vấn đề thì bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi thêm với gia đình bạn. Các mạch máu và ống dẫn nước tiểu cũng sẽ được bác sĩ nối mới để phù hợp với con. Sau phẫu thuật, con sẽ được đặt ống tiểu vào bàng quang để theo dõi.
Chuẩn bị trước ghép
Nếu con bạn được nhận thận từ người thân, thì cả con bạn và người thân hiến thận sẽ được làm thủ tục nhập viện để khám xét. Sự đồng ý hiến tặng thận sẽ được thực hiện đầy đủ các bước theo quy định pháp lý. Cả người hiến tặng thận và người nhận thận sẽ được làm các xét nghiệm máu đối chéo để xác định tính phù hợp. Con của bạn và người hiến tặng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Thận- lọc máu và các bác sĩ chuyên khoa khác khám và tư vấn trước khi phẫu thuật.
Nhập viện
Nếu con bạn nhận thận từ một người hiến tặng còn sống thì người hiến tặng và nhận thận sẽ nhập viện trước khi phẫu thuật và có lịch hẹn trước. Còn nếu thận ghép được nhận từ một người hiến tặng đã qua đời thì việc nhập viện của con bạn sẽ có thể vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày hoặc đêm.
Con của bạn và người hiến thận sẽ được nhận vào Thận – lọc máu.
Điều dưỡng tiếp nhận sẽ đeo một chiếc băng đeo nhận dạng, băng này sẽ duy trì trong suốt thời gian con bạn nhập viện vì lý do an toàn. Nếu băng đeo này bị rơi ra hoặc không nhìn rõ các thông tin trên băng đeo, vui lòng thông báo cho điều dưỡng để được thay thế cái băng đeo khác. Gia đình cũng cần thông báo cho điều dưỡng và bác sĩ về bất kỳ vấn đề dị ứng nào mà con bạn có thể mắc phải với thuốc, thức ăn,…
Điều dưỡng sẽ ghi lại cân nặng, chiều cao, nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của con bạn.
Vui lòng mang đến bệnh viện tất cả các loại thuốc mà con bạn hiện đang dùng (nếu có), bao gồm tất cả các loại thuốc bổ thảo dược, thuốc đông y hoặc các thực phẩm chức năng khác.
Bác sĩ sẽ xem xét lại quá trình tiền sử/bệnh sử của con, thăm khám tình hình sức khỏe hiện tại của con.
Gia đình bạn và người hiến tặng thận sẽ được đưa đi tham quan Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa là một đơn vị chăm sóc đặc biệt giành cho người bệnh trước và sau phẫu thuật để được Điều dưỡng trưởng khoa trao đổi và hướng dẫn chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết trong thời gian hồi sức sau phẫu thuật sắp tới của con bạn.
Bác sĩ gây mê sẽ khám cho con bạn vào buổi chiều ngay trước hôm phẫu thuật, bác sĩ sẽ thảo luận những việc mà bác sĩ sẽ tiến hành gây mê, giảm đau và theo dõi con bạn trong suốt quá trình phẫu thuật tại phòng mổ.
Điều dưỡng chăm sóc con bạn sẽ cho bạn biết thời gian con bạn cần nhịn ăn để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ngày mai. Trong khi nhịn ăn, con bạn sẽ không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trước khi phẫu thuật. Con cũng cần được tắm, gội đầu, cắt ngắn móng tay, móng chân, tháo bỏ các đồ trang sức tránh bị rơi trong quá trình phẫu thuật và hồi sức sắp tới.
Thời gian nằm viện của con bạn sẽ kéo dài đến khi có sức khỏe hồi phục như mong đợi.
Ngày phẫu thuật
Điều dưỡng sẽ cho con bạn uống một số loại thuốc, tiêm thuốc và truyền dịch. Con bạn có thể uống thuốc bằng miệng, mặc dù chúng vẫn đang phải nhịn ăn. Những loại thuốc này rất quan trọng vì chúng là những liều đầu tiên của thuốc chống đào thải sẽ ngăn cơ thể con bạn từ chối quả thận mới mà chúng sắp nhận.
Khi đến giờ phẫu thuật của con bạn, một điều dưỡng sẽ đưa bạn và con bạn đến Khoa Phẫu thuật – gây mê hồi sức ở tầng 2 của bệnh viện.
Tại khu vực tiếp đón của Khoa Phẫu thuật – gây mê hồi sức, điều dưỡng sẽ kiểm tra băng đeo thông tin của con bạn. Bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép sẽ gặp để nói chuyện với bạn vào lúc này để được sự đồng ý cho cuộc phẫu thuật và để trả lời bất cứ câu hỏi nào của bạn.
Trong khi con bạn đang được phẫu thuật, bạn có thể đợi ở khu vực chờ của khoa Phẫu thuật – gây mê hồi sức. Quá trình phẫu thuật sẽ kéo dài từ sáng tới chiều, thậm chí lâu hơn. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ trực tiếp trao đổi hoặc gọi điện thoại cho bạn nếu có điều gì phát sinh cần trao đổi và được sự đồng ý của gia đình.
Nhập khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa (giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật)
Sau khi phẫu thuật, con bạn sẽ được di chuyển theo lối đi riêng từ phòng mổ đến Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa (ĐTTC Ngoại khoa), cũng ở Tầng 2.
Bác sĩ ở khoa ĐTTC Ngoại khoa sẽ gọi điện thoại cho bạn ngay sau khi họ tiếp nhận và ổn định tình trạng của người bệnh. Trong thời gian con bạn ở khoa ĐTTC Ngoại khoa, gia đình mình sẽ di chuyển ra ở Khu lưu trú của Bệnh viện, dành cho Người nhà người bệnh hoặc gia đình có thể về nhà (nếu ở gần Bệnh viện và tiện đi lại).
Khoa ĐTTC Ngoại khoa sẽ có quy định về giờ vào thăm con cho tất cả Người nhà người bệnh có con đang nằm điều trị trong khoa, Gia đình bạn có thể vào thăm con theo giờ đó để được gặp trực tiếp, trao đổi với Bác sĩ điều trị và Điều dưỡng chăm sóc cho con của bạn.
Xin lưu ý rằng bạn có thể cảm thấy lo lắng khi lần đầu tiên nhìn thấy con mình trong khoa ĐTTC Ngoại khoa sau khi phẫu thuật ghép thận. Con bạn có thể đang ngủ, đang khóc hoặc đang thức một cách lặng lẽ. Các cô/chú điều dưỡng sẽ thường xuyên ở bên cạnh con để theo dõi các chỉ sổ nhịp tim, huyết áp, tình trạng thở, cân đo nước tiểu… chăm sóc vệ sinh cho con hằng giờ, cho con uống thuốc, tiêm thuốc và truyền dịch cho con, theo dõi các vết mổ, ống dẫn lưu,… Bác sĩ sẽ thường xuyên thăm khám để điều chỉnh các thuốc (kháng sinh, dịch truyền nuôi dưỡng, thuốc giảm đau,…) và làm các xét nghiệm cần thiết để mong sức khỏe của con ngày một tốt hơn.
Khi ở trong khoa ĐTTC Ngoại khoa, bạn sẽ thấy con mình được kết nối liên tục với các máy móc, thiết bị sau:
- Máy theo dõi có màn hình để đo các dấu hiệu sinh tồn như nhiệt độ, huyết áp, độ bão hòa oxy, nhịp tim và nhịp thở.
- Một đường truyền vào tĩnh mạch trung tâm ở cổ, ngực hoặc ở bẹn, đường truyền này cho phép truyền dịch, tiêm thuốc và để lấy máu xét nghiệm cho con của bạn. Ngoài ra còn có các đường truyền khác vào động mạch để theo dõi huyết áp liên tục, vào tĩnh mạch ở tay/chân của con để tiêm/truyền khác.
- Một ống thông đặt qua mũi hoặc miệng tới dạ dày để theo dõi dịch dạ dày.
- Một ống thông tiểu để thoát nước tiểu từ bàng quang.
- Các ống dẫn lưu ở gần vết mổ để dẫn lưu máu và chất lỏng xung quanh quả thận mới.
Con sẽ được truyền nhiều dịch (số lượng dịch truyền sẽ được điều chỉnh tùy thuộc theo số lượng nước tiểu mỗi giờ) để duy trì lượng máu lưu thông tốt đến quả thận mới để nó hoạt động và sản xuất nhiều nước tiểu.
Vết mổ trên da bụng của con, nơi đặt quả thận mới vào sẽ được băng kín hoàn toàn. Băng này sẽ giữ nguyên vị trí cho đến khi bác sĩ phẫu thuật yêu cầu tháo băng ra để kiểm tra hoặc khi siêu âm. Các mũi khâu được sử dụng để liền vết mổ này thường có thể tự tiêu. Siêu âm ổ bụng sẽ được thực hiện trong khoa ĐTTC ngoại khoa để kiểm tra quả thận mới hằng ngày.
Sau phẫu thuật, con sẽ được sử dụng các thuốc an thần, giảm đau để ngủ và nghỉ ngơi. Con sẽ tiếp tục được thở bằng máy thở thông qua một qua ống đặt vào khí quản của con. Con sẽ được chăm sóc hô hấp, hút đờm rãi, thay đổi tư thế và kiểm tra phim chụp XQ tim phổi hằng ngày. Bác sĩ sẽ đánh giá toàn trạng ổn định trước khi quyết định giảm, dừng thuốc an thần giúp con tỉnh táo và có thể tự thở tốt trước khi rút ống thở khỏi máy cho con. Con sẽ nhịn ăn trong những ngày đầu ở phòng hồi sức, khi tình trạng ổn định hơn sẽ được ăn sữa với số lượng ít, nhiều bữa trong ngày (thường khoảng 8 bữa/ngày). Sữa sẽ được cung cấp bởi Khoa dinh dưỡng tiết chế của Bệnh viện.
Con được tắm rửa tại giường vì con được tiêm thuốc hoặc truyền dịch liên tục và còn hạn chế di chuyển do có vết thương ở bụng cùng với các ống dẫn lưu.
Rời khỏi khoa ĐTTC Ngoại khoa
Tại khoa Thận – lọc máu
Bạn sẽ nhận thấy rằng có rất nhiều loại thuốc cho con bạn uống trong khoảng thời gian chính xác và đều đặn trong ngày- điều này rất quan trọng. Không dùng thuốc, đặc biệt là thuốc ngăn ngừa đào thải, sẽ dẫn đến mất quả thận được cấy ghép. Bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng sẽ xem xét và hướng dẫn bạn cẩn thận khi cho con uống thuốc.
Con sẽ đỡ đau hơn bởi các thuốc giảm đau phù hợp và tháo bỏ bớt các dẫn lưu cũng như khi con liền thương. Bạn sẽ giúp con vận động, di chuyển lại nhẹ nhàng và hồi phục dần dần.
Con sẽ tiếp tục được theo dõi vết mổ, dẫn lưu và rút khi các bác sĩ Ngoại khoa đồng ý. Các xét nghiệm máu, siêu âm hay chụp XQ sẽ vẫn được thực hiện cho con của bạn. Con vẫn cần các đường truyền tĩnh mạch, mặc dù số lượng dịch truyền sẽ giảm đi khi con uống được nước và sữa. Các cô/chú điều dưỡng sẽ tiếp tục theo dõi các chỉ số sinh tồn, cân nặng của con trong thời gian này.
Tất cả các điều này là để kiểm tra xem quả thận mới hoạt động tốt như thế nào và mức độ thuốc được cung cấp để ngăn cơ thể con bạn đào thải quả thận không quá cao hoặc quá thấp. Xét nghiệm máu xét nghiệm nồng độ thuốc chồng đào thải này sẽ còn được làm khi con tái khám sau thời gian được ra viện.
Con của bạn sẽ được tiếp tục theo dõi sự phục hồi bởi các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa thận. Bạn cũng sẽ được cung cấp các thông tin về thuốc, cũng như các biến chứng có thể xảy ra sau khi ghép thận.
Việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của con bạn và chức năng của quả thận mới được ghép trong năm đầu tiên sau khi ghép cũng như việc thăm khám và xét nghiệm máu đặc biệt thường xuyên trong ba tháng đầu tiên giúp con bạn an toàn, phòng tránh các biến chứng. Gia đình cần theo dõi sức khỏe của con, đưa con đi tái khám đúng hẹn tại phòng khám chuyên khoa Thận- lọc máu của Bệnh viện hoặc khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Vết mổ bị sưng, đỏ, chảy máu, chảy dịch.
- Con bị sốt, thân nhiệt trên 38oC
- Đau hoặc nóng rát khi con bạn đi tiểu kèm theo bị đau vùng thận ghép
- Nước tiểu của con bạn có mùi hoặc có màu đục
- Giảm lượng nước tiểu
- Con bạn đã tiếp xúc gần với người bị thủy đậu
Tài liệu tham khảo
1. Điều trị và chăm sóc hồi sức sau ghép thận ở trẻ em, Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương.
2. https://www.childrens.health.qld.gov.au/fact-sheet-renal-transplant-information/
ĐD Đặng Thị Thu Hằng – ĐD Nguyễn Thị Ngà
Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương