Vào những ngày Tết, trẻ được nghỉ học dài, nhu cầu về quê đón Tết, du lịch của các gia đình tăng cao, cùng với đó là các hoạt động liên hoan, ăn uống, vui chơi cũng diễn ra liên tục. Vì vậy, trẻ nhỏ có thể gặp nhiều nguy cơ tai nạn thương tích trong những ngày Tết như: bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc thực /hóa chất, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước,… Do đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý đề phòng những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với con em mình.
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận liên tiếp 03 bệnh nhi bị tai nạn, ngộ độc trong những ngày giáp Tết
Bé N.G.H (3 tuổi) đang chơi tại nhà ông bà, trẻ chui vào gầm bàn gấp chơi, trong lúc vui đùa ngực của trẻ bị kẹp giữa hai chân bàn gây ra chẹn vào ngực, không thở được. Khi bà phát hiện ra thì G.H đã tím tái, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện để sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, trẻ vào Bệnh viện tỉnh trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, mạch bắt yếu, huyết áp thấp, hôn mê. Sau khi được sơ cứu ban đầu, đặt Nội khí quản hỗ trợ hô hâp, ổn định bệnh nhân và vận chuyển an toàn lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh nhân vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ thở bằng bóp bóng qua Nội khí quản, hôn mê, huyết áp thấp.
Tại khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc trợ tim đảm bảo huyết áp, ổn định tình trạng nguy hiểm ban đầu, sau đó đưa trẻ vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để thở máy và chăm sóc đặc biệt.
Trường hợp thứ 2 là bé trai cũng 3 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, theo lời mẹ bé kể 17h ngày 18/1 bé chạy theo con trâu nhà hàng xóm và bị trâu quay lại húc, sừng trâu húc vào vùng đỉnh chẩm trên đầu của bé. Sau bị húc bé bị chảy máu nhiều, gia đình cho sơ cứu tại bệnh viện tỉnh, tại đây ghi nhận bé bị lõm xương sọ và một phần tổ chức não bị lộ ra ngoài. Ngay lập tức trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong đêm ngày 18/1. Các bác sĩ xác định trẻ bị vết thương sọ não do trâu húc, được băng cầm máu, làm các xét nghiệm cấp và chuyển phẫu thuật tại Khoa Ngoại thần kinh – Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương sau 03 giờ vào viện.
Cũng nguy kịch không kém là bé L.A (10 tuổi, Nghệ An) sống cùng với ông nội, bố mẹ đi làm xa. Trưa 18/1 trẻ cùng hai bé khác cùng độ tuổi, đang chơi trong vườn, thấy ống nước màu đỏ, 3 trẻ cùng bẻ ra uống, sau đó khoảng 30 phút L.A xuất hiện triệu chứng nôn, lơ mơ, co giật. Trẻ được đưa vào bệnh viện huyện, đặt ống nội khí quản rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc xử trí các bước ban đầu, trẻ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, xác định là ngộ độc thuốc diệt chuột và được chuyển điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa., Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ tử vong sau gần 1 ngày vào viện dù đã được hỗ trợ tích cực chức năng các cơ quan.
BS CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ với rất nhiều hình thái: vết thương ngoài da, chảy máu, bong gân, gãy xương, chấn thương các tạng, bỏng, đuối nước, ngộ độc, hóc dị vật,.. Nhất là trong các dịp Tết Nguyên đán hàng năm thì số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn. Bản thân trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân, hoặc trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn thích thể hiện cái tôi cá nhân. Đặc biệt với những trẻ sống ở các đô thị lớn, dịp tết về đón tết cùng gia đình ở các vùng nông thôn với môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ, nhưng cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối,… trong khi đó người lớn nhiều khi vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng”.
Những mối nguy hiểm thường gặp đối với trẻ nhỏ những ngày cận Tết và Tết Nguyên đán
Ngộ độc thực phẩm:
Những ngày Tết, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ thường bị xáo trộn đột ngột, dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, thức ăn ngày Tết thường được các gia đình để dài ngày và chứa nhiều mỡ, đạm dẫn đến nhiều trẻ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.
Bỏng:
Nhiều hoạt động nấu nướng cho các bữa tiệc: tất niên,, cúng gia tiên, năm mới… Đặc biệt nấu bánh chưng, bánh tét với những nồi nước sôi khổng lồ, lửa cháy bập bùng. Nhiều trẻ chạy nhảy không quan sát dễ dẫn đến bỏng lửa hay làm đổ nước sôi hoặc té ngã vào nồi nước.
Té ngã và các tai nạn sinh hoạt trong gia đình:
Các tình huống té ngã trẻ thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán như: chạy vào khu vực trơn, ướt khi người lớn vệ sinh nhà cửa; chạy nhảy vui chơi với bạn bè, anh chị em; trèo cây, leo hàng rào, cầu thang, ban công khi người lớn không để ý. Ngay cả những đồ vật thông dụng tại gia đình cũng có thể là mối nguy hiểm với trẻ em như bàn ghế, dao kéo, thớt.
Pháo nổ:
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, cả nước lại ghi nhận nhiều vụ nổ pháo tự chế gây tổn thương nặng như: đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng… để lại hậu quả vô cùng nặng nề về sức khỏe của trẻ.
Hóc dị vật:
Truyền thống của Tết là ăn các loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí,… phụ huynh cũng cần lưu ý để xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn, tránh xảy ra những trường hợp hóc dị vật gây bít tắc đường thở.
Ngộ độc hóa chất, thuốc, độc chất:
Nguyên nhân do nhiều gia đình mua các loại hóa chất như: xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ về lau dọn, sơn sửa nhà cửa… nhưng lại để vào các chai nước suối, nước ngọt. Đặc biệt, trong những ngày Tết, nhiều gia đình sử dụng các loại dầu với các màu sắc sặc sỡ để thắp đèn trên bàn thờ cũng, mà không để xa tầm tay trẻ, không có cảnh báo, trẻ dễ uống hoặc nuốt phải gây nguy hiểm tính mạng.
Tai nạn giao thông:
Hàng năm, số bệnh nhi bị chấn thương, thậm chí tử vong do tai nạn nhập viện vào dịp Tết cũng không ít, do cha mẹ bận rộn không kiểm soát, để trẻ tự do điều khiển phương tiện, chở 3 chở 4, không đội mũ bảo hiểm; hoặc đi bộ, chạy chơi ngoài đường thiếu quan sát.
Điện giật:
Ngày Tết nguy cơ bị điện giật ở trẻ em cũng rất cao bởi các gia đình thường trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cây quất. Cùng với đó, các thiết bị điện, ổ cắm điện không có dụng cụ bảo vệ an toàn khiến trẻ dễ bị điện giật. Tai nạn này có thể gây tổn thương nặng, nguy hiểm tính mạng cho trẻ nhỏ
Đuối nước:
Trong dịp Tết trẻ về quê chơi, cần chú ý tránh trẻ bị ngã xuống sông suối ao hồ, hay giếng nước khơi.
Gia súc, gia cầm cắn:
Ngày tết trẻ về quê với ông bà, thường được đưa bố mẹ đi chơi, thăm hỏi chúc tết gia đình. Các gia đình ở vùng quê thường có chăn nuôi gia súc như chó mèo trong nhà. Cần chú ý cẩn thận với những nguy hiểm rình rập từ các gia súc này như chó cắn hay mèo cào.
Trâu, bò húc là một tai nạn cũng khá thường gặp ở vùng nông thôn, trong một số trường hợp trâu bò hỗn sẽ tấn công người chăn thả và người xung quanh.
Phòng tránh tai nạn thương tâm xảy ra dịp Tết Nguyên đán đối với trẻ
Những tai nạn bỏng, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm, pháo nổ, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông xảy ra với trẻ, nhẹ có thể chữa khỏi, nặng sẽ tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Vì vậy, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ.
- Không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.
- Sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn.- Thuốc diệt chuột có hình dáng bên ngoài khá giống với một số loại thạch và nước uống cho trẻ em, do vậy nếu gia đình có dự trữ thuốc diệt gián chuột cần nên được cất giữ cẩn thận.
- Các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để trong hộp riêng, có khóa
- Khi trẻ ăn uống, cha mẹ cần quan sát con. Hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ…Giám sát chặt chẽ khi con ăn các loạt hạt lạc, hạt dưa, hạt bí,.. ngày Tết; không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.
- Hướng dẫn trẻ tham gia giao thông an toàn
- Cần có người lớn giám sắt chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ chơi dưới lòng đường… và các bề mặt trơn trượt
- Tránh để các đồ vật như thuỷ tinh, sắc nhọn,.. gần tầm tay của trẻ.
- Cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.
Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là băng bó vết thương, nếu trẻ gãy xương thì cố định xương gãy. Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, chúng ta cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ từ những người xung quanh; Đánh giá đường thở, khai thông đường thở, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt. Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời” – BS CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc đến với trẻ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, gia đình cần có sự quan tâm, chăm sóc sát sao và tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ.
Ngọc Thạch, Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu