Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Thêm hai bệnh nhi nguy kịch vì bệnh tim bẩm sinh được cứu sống kỳ diệu

Thêm hai bệnh nhi nguy kịch vì bệnh tim bẩm sinh được cứu sống kỳ diệu

Gặp nhiều tổn thương phức tạp do bệnh tim bẩm sinh gây nguy kịch cho tính mạng, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành những phẫu thuật kịp thời để giữ tính mạng cho hai bệnh nhi mới chỉ vài tháng tuổi.

Bé D.L hồi phục sức khỏe sau ca mổ phức tạp

Thạc sĩ Cao Việt Tùng, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch cho biết, Trung tâm Tim mạch vừa phẫu thuật thành công cho hai ca bệnh nhi mắc dị tật tim bẩm sinh phức tạp.

Thêm thành công trong việc tạo hình khí quản trên nền bệnh tim bẩm sinh

Bệnh nhi N.D.L (3 tháng tuổi) nhập viện do suy hô hấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc dị tật thất phải hai đường ra kèm theo bất thường xuất phát của động mạch phổi trái gây hẹp nặng đường thở. Khí quản của cháu bị hẹp rất nặng do toàn bộ khí quản bị bao quanh bởi cấu trúc vòng sụn bẩm sinh.

Bệnh nhi được cho thở máy, nhưng phổi không thể hoạt động được do khí quản hẹp quá nặng. Tình trạng của cháu ngày càng xấu đi nhanh chóng với nồng độ khí CO2 trong máu tăng lên nhanh chóng.

“Trường hợp của cháu cực kỳ khó khăn vì cháu còn bé, cân nặng chưa được 5kg, nhiều tổn thương phức tạp, đặc biệt là tổn thương hẹp khí quản ở trẻ nhỏ. Đồng thời quá trình hồi sức cũng khó khăn khi phải bảo đảm việc thông khí. Tuy vậy, nếu không được phẫu thuật, cháu chắc chắn tử vong trong vòng vài giờ” – bác sĩ Tùng nhận định.

Tuy nhiên, đây là một ca bệnh phức tạp, sửa chữa đường ra thất phải, vá lỗ thông liên thất và trồng lại động mạch phổi trái. Bên cạnh đó, việc tạo hình khí quản cho bệnh nhi còn quá nhỏ này cũng vô cùng khó khăn.

Sau phẫu thuật, tình trạng của cháu vẫn còn rất nặng, cháu được hồi sức tích cực và liên tục trong 15 ngày. Sau 34 ngày nằm viện, trẻ được ra viện với tình trạng hoàn toàn ổn định như một cháu bé bình thường và khỏe mạnh.

Phẫu thuật tạo hình khí quản là một thách thức lớn với các bác sĩ bởi tình trạng tái hẹp sau phẫu thuật, tỷ lệ tử vong vì nhiễm trùng cao do phải thở máy kéo dài. Bác sĩ Tùng nhận định, ca phẫu thuật thành công chính là nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm phẫu thuật và hồi sức chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật. Trước đây, tỷ lệ thất bại khi thực hiện tạo hình khí quản ở trẻ em là rất cao. Từ năm 2016, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã thực hiện thành công tám ca tạo hình khí quản. Với ca phẫu thuật cho bệnh nhi N.D.L, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã ghi thêm một dấu mốc về phát triển khoa học kỹ thuật trong phẫu thuật tim bẩm sinh.

Cứu sống cậu bé người dân tộc bị suy đa phủ tạng

Bệnh nhi người dân tộc N.M.N nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Bé được các bác sĩ chẩn đoán tứ chứng Fallot.

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã tiến hành phẫu thuật sửa toàn bộ các tổn thương trong tim. Mặc dù các tổn thương đã được sửa chữa rất tốt nhưng diễn biến sau mổ xấu đi nhanh chóng. Các tạng trong cơ thể bắt đầu suy chức năng nghiêm trọng. Các bác sĩ tiến hành siêu âm thực quản ngay tại giường hồi sức cho cháu và phát hiện ra một lỗ thông liên thất phần cơ lớn tại mỏm tim gây nguy kịch cho tính mạng.

Bác sĩ Cao Việt Tùng thăm hỏi cháu bé N.M.N.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp đặt dù để bịt lỗ thông liên thất phần cơ là phương pháp điều trị khả quan duy nhất khi bệnh nhi đang trong tình trạng suy đa phủ tạng. Ca can thiệp thành công tốt đẹp, tuy nhiên các bác sĩ hồi sức vẫn phải tiếp tục vật lộn điều trị tình trạng suy đa phủ tạng nhằm giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. May mắn thay, sau 12 ngày hồi sức, cháu đã có thể rút máy thở và sau 28 ngày điều trị, cháu đã sẵn sàng xuất viện.

Thạc sĩ Cao Việt Tùng, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch cho biết, hiện nay đối với những bệnh nhân hẹp khí quản, Bệnh viện Nhi tiến hành phẫu thuật thường quy. Còn những trường hợp bệnh nhân tứ chứng Fallot được điều trị với tỷ lệ thành công cao nhờ phối hợp chặt chẽ giữa ngoại khoa, can thiệp và gây mê hồi sức.

(Theo Nhân dân)

Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi, Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em