Trang chủ » Y học thường thức » Trẻ 22 tháng tuổi nhập viện do hóc xương cá

Trẻ 22 tháng tuổi nhập viện do hóc xương cá

Ngày 23/7, bé L.B.N (22 tháng tuổi, ở Yên Mỹ, Hưng Yên) vào viện trong tình trạng sốt cao, sưng đau vùng cổ, ù tai, không ăn được, do bị hóc xương cá.

Theo người nhà kể lại, cháu N có biểu hiện bị hóc xương khi ăn cháo cá tại nhà. Gia đình vội đưa cháu đến trạm y tế ở địa phương. Tại đây, nhân viên y tế kiểm tra thấy có xương cá mắc trong họng liền đưa bông gạc vào ấn với ý định cho xương cá trôi xuống, vô tình đã khiến xương cá đâm mạnh hơn, trẻ càng đau đớn, nôn ra máu. Thấy vậy gia đình lập tức chuyển cháu lên bệnh viện Nhi TW.

Sau khi nội soi, các bác sĩ phát hiện thấy có 2 mẩu xương cá găm vào vùng niêm mạc gần xoang lê, bên dưới có mủ và sưng nề. Sau khi tiến hành nội soi gắp dị vật ra, hiện trẻ đã hết sốt, ăn được và chơi bình thường.

2 mẩu xươg cá găm trong họng trẻ

Bác sĩ Nguyễn Lợi, đơn vị Nội soi tiêu hoá- khoa Tiêu hoá cho biết, trước đó các bác sĩ cũng vừa nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân T.T.Y (20 tháng tuổi, ở Tuyên Quang). Mẹ bệnh nhân kể lại, trẻ đến thăm bà bị ốm, sau khi được bà bón cho thìa cháo trẻ liền có biểu hiện đau đớn, quấy khóc, sốt, không ăn được, cứ uống nước vào là nôn. Gia đình đã cho cháu vào bệnh viện tuyến tỉnh chụp X-quang nhưng không tìm được nguyên nhân. Sau khi chuyển lên bệnh viện Nhi TW, bệnh nhân được chụp X-quang và phát hiện thấy có dị vật. Tiến hành làm nội soi, các bác sĩ phát hiện dị vật là mẩu mang cá mắc ở đoạn thực quản cổ trên cắm 2 đầu vào thành thực quản, vị trí cắm có mủ, loét.

Phim chụp X-quang của cháu Y

Chiếc mang cá được các bác sĩ nội soi gắp ra

Theo bác sĩ Lợi, đối với những dị vật sắc nhọn đã cắm lâu ngày, chỗ bị cắm thường loét, thậm chí còn cắm cả vào các mạch máu xung quanh. đường đi để đưa dị vật từ thực quản ra khỏi miệng lại gập góc. Do vậy, gắp dị vật làm sao để tránh xây xát, tổn thương cho bệnh nhân là rất khó khăn. Nếu bác sĩ thao tác không khéo có thể gây ra một số tai biến như thủng thực quản, chảy máu, dị vật không gắp được ra hoặc thậm chí dị vật còn bị rơi vào sâu hơn.

Số ít những dị vật từng được các bác sĩ BV Nhi TW nội soi gắp ra cho các cháu nhỏ

Khẳng định không ít lần tiếp nhận các bệnh nhi nguy kịch vì hóc dị vật từ hạt nhãn, xương cá thậm chí đến cả các vật dụng như kim khâu vá, nhẫn, cắt móng tay…, các bác sĩ cho biết, hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ. Dị vật lớn trẻ có thể tử vong đột ngột nếu không được cấp cứu kịp thời. Để tránh loại tai nạn này, phụ huynh có con nhỏ phải hết sức cẩn trọng với những vật dụng mà trẻ có thể cho vào miệng, đồng thời không nên ép trẻ ăn lúc con đang khóc hoặc đang cười vì rất dễ bị sặc. Trường hợp phát hiện trẻ nuốt phải dị vật nhọn có thể gây nhiễm trùng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Tránh móc họng trẻ vì cách làm này có khả năng khiến cho dị vật càng mắc sâu hơn.



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em