Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Trẻ bỗng nhiên mất ngủ, bố mẹ cảnh giác con muốn tự tử

Trẻ bỗng nhiên mất ngủ, bố mẹ cảnh giác con muốn tự tử

Nhiều cha mẹ không khỏi ngỡ ngàng vì sau một thời gian con bị mất ngủ, khi tới bệnh viện khám, các bác sĩ đã chẩn đoán mắc phải các chứng bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm…

Nhiều trẻ trong số đó còn có ý nghĩ tự tử vì mệt mỏi và không còn hứng thú trong cuộc sống.

Khi trẻ bỗng nhiên mất ngủ

Còn một năm học nữa sẽ chuyển cấp, tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, cháu N.H.T. (14 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc) không muốn đến trường. Mỗi khi tới lớp, trẻ luôn kêu đau bụng hoặc ngủ gật giữa giờ, tâm trạng chán nản không muốn giao tiếp với ai. Ít ai biết rằng, buổi đêm khi ở nhà, T. mất ngủ triền miên và tình trạng này đã kéo dài vài tháng nay.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo, mất ngủ có thể là biểu hiện của một số căn bệnh liên quan tới sức khỏe vị thành niên

Bác sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo, mất ngủ có thể là biểu hiện của một số căn bệnh liên quan tới sức khỏe vị thành niên

Cô bé trằn trọc khó vào giấc ngủ và giấc ngủ cũng chập chờn. Vì thế, trẻ thường loay hoay ra vào các phòng và có đêm ngồi chơi với mèo cho tới sáng để giết thời gian. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ học và cơ thể gầy sút nhanh chóng khiến gia đình rất lo lắng và đưa trẻ tới Bệnh viện Nhi Trung ương để khám.

Tiến sĩ – bác sĩ (TS-BS) Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên, cho biết, trẻ luôn trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng và bất an. Đặc biệt, T. chia sẻ, mất ngủ kéo dài khiến em rất mệt mỏi, chán nản và cảm thấy không còn tha thiết, hứng thú với cuộc sống. Sau khi khám, bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn lo âu và phải nhập viện để điều trị. Việc đầu tiên phải thực hiện là điều trị chứng mất ngủ của trẻ.

Cũng giống như T., cháu H.Q.H., (15 tuổi, TP.Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng mất ngủ trầm trọng, kéo dài. Bố mẹ H. thường xuyên đi công tác xa nên cô bé chủ yếu ở cùng với bà. Do tuổi già nên bà cũng không để ý đến sinh hoạt của cháu, vẫn yên tâm khi thấy hằng ngày cháu vẫn đi học và ăn tối đều đặn.

Gần đây, mẹ của H. rất lo lắng khi nhận được điện thoại thông báo của giáo viên chủ nhiệm, phản ánh về những biểu hiện bất thường của cháu. Theo đó, H. ngày càng xa lánh thầy cô, bạn bè và không tham gia các hoạt động của nhà trường. Trên lớp, H. tỏ ra buồn chán, ủ rũ và luôn bi quan. Kết quả học tập của H. cũng trở nên sa sút.

Từ một học sinh giỏi, chăm ngoan, H. rơi vào nhóm học yếu ở lớp. Vị phụ huynh này còn hoảng hơn khi phát hiện con mình suy nghĩ nhiều tới cái chết và tìm hiểu về những cách tự sát trên mạng xã hội. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các BS cho biết, H. có dấu hiệu của trầm cảm nặng.

Bố mẹ cần quan tâm để hiểu nỗi niềm của con 

Theo BS Ngô Anh Vinh, ở trẻ em, mất ngủ thường gặp ở trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ gái và thường có liên quan đến yếu tố tâm lý. Khi phát hiện trẻ “bỗng dưng” có dấu hiệu mất ngủ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Nhiều trường hợp mất ngủ là biểu hiện của một số căn bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm…

Ngoài ra, đây cũng là những hậu quả do trẻ nghiện game hay mạng xã hội. “Nghiện game hay mạng xã hội cũng là một trong những lý do khiến trẻ mất ngủ và gây nên tình trạng suy nhược cơ thể. Ngay cả khi trẻ đi vào giấc ngủ, những nội dung không lành mạnh hoặc có tính bạo lực qua công nghệ số cũng có thể khiến trẻ bị ám ảnh và gây rối loạn giấc ngủ”, BS Vinh cho biết.

Nếu trẻ bị mất ngủ kéo dài có thể gây ra các bệnh lý về tâm thần, đặc biệt là trầm cảm. Trẻ bị trầm cảm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng khiến trẻ mệt mỏi, buồn chán và bi quan. Điều đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều trẻ xuất hiện ý nghĩ muốn tự tử vì không còn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống.

Đáng lo ngại hiện nay là nhiều trường hợp trẻ vị thành niên vì mất ngủ đã mua các loại thuốc ngủ trên thị trường để sử dụng. BS Vinh cảnh báo: “Khi mua thuốc ngủ phải có sự chỉ định của BS vì có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu sử dụng quá liều. Ngay tại bệnh viện, việc sử dụng các thuốc hướng thần được các BS trực tiếp giám sát theo đúng chỉ định. Bởi ở những trẻ này có khả năng tích trữ thuốc để tự tử do ám ảnh về cái chết”.

Các BS và chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra một đặc điểm chung ở những trẻ bị rối loạn giấc ngủ khi tới bệnh viện khám, đó là thường thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, cha mẹ.

Trẻ không được lắng nghe những tâm sự của mình nên khi mắc bệnh, diễn biến thường trở nên nặng nề. Do đó, các bậc phụ huynh cần dành thời gian để đồng hành, chia sẻ với con cái, từ đó giải tỏa các vấn đề tâm lý cũng như sớm nhận ra những biểu hiện bất thường, đặc biệt khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên.

“Ở giai đoạn đầu khi trẻ xuất hiện các triệu chứng, cha mẹ nên chia sẻ, động viên con tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng con điều chỉnh sinh hoạt để khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ. Trẻ hoàn toàn có thể hồi phục khi được trị liệu tại nhà mà không cần phải nằm viện nếu phát hiện sớm”, BS Vinh lưu ý.

(Theo Báo Phụ nữ)

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em