Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Từ trường hợp trẻ suy gan, tính mạng nguy kịch do ngộ độc Paracetamol: Khi nào nên uống, dùng bao nhiêu là đủ?

Từ trường hợp trẻ suy gan, tính mạng nguy kịch do ngộ độc Paracetamol: Khi nào nên uống, dùng bao nhiêu là đủ?

Nếu không cho trẻ sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm theo hướng dẫn sẽ khiến trẻ bị ngộ độc thuốc dẫn đến nhiều hệ lụy về sự khỏe, thậm chí tử vong.

Liên quan đến sự việc cháu bệnh nhi T.V.D (2 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) suy gan, tình trạng rất nguy kịch sau khi ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol, ngày 15/8, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện cháu bé vẫn rất nặng đang được hỗ trợ thở máy, lọc máu và tiên lượng nặng.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ngộ độc paracetamol không phải là hiếm gặp, tại khoa đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp nặng, thậm chí đã có trẻ tử vong.

Lý giải nguyên nhân khiến trẻ ngộ độc paracetamol, bác sĩ Duy cho rằng thứ nhất đây là loại thuốc phổ biến, không cần kê đơn, chính vì thế phụ huynh thường tự ý mua về cho con sử dụng khi hạ sốt, đó là lý do khiến trẻ dễ bị ngộ độc.

Bé trai vẫn đang được điều trị tích cực

Nguyên nhân thứ hai là paracetamol có quá nhiều các loại bào chế từ viên nén, viên đạn, dạng gói, dạng nước với nhiều hàm lượng khác nhau nên rất dễ nhầm lẫn khi sử dụng hàng ngày.

Một vấn đề nữa là do sự bất cẩn của gia đình, một số trường hợp sốt cao mà bố mẹ cứ tưởng là dùng hạ sốt liều cao sẽ hạ được nhanh. Điều đó rất dễ gây ngộ độc nhất là trẻ nhỏ. Nguyên nhân cuối cùng là do sự hướng dẫn giải thích của nhân viên y tế chưa đầy đủ khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn.

Đối với trẻ bị ngộ độc paracetamol, bác sĩ Duy cho rằng biểu hiện của trẻ khi ngộ độc thuốc hoặc uống quá liều thường xuất hiện trong 24 giờ. Tuy nhiên, biểu hiện đó thường gắn với bệnh chính của trẻ với các dấu hiệu thường là rối loạn đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn, da xanh, ngủ li bì.

TS.BS Lê Ngọc Duy chia sẻ về cách dùng paracetamol.

Từ 24 đến 48 giờ sau, nếu trẻ không được đưa đến viện cấp cứu thì sẽ bị tổn thương gan. Sau 72 giờ, triệu chứng của gan nặng thêm dẫn đến suy gan, rối loạn tri giác, hạ đường huyết, suy thận, rối loạn đông máu.

Vì vậy, bác sĩ Duy khuyến cáo, chỉ cần nghi ngờ trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều cần đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, còn nếu để xuất hiện triệu chứng nặng thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Việc điều trị cho trẻ không khó, nhưng phải tùy vào giai đoạn trẻ được đưa đến viện. Nếu ở giai đoạn muộn khi tổn thương gan không hồi phục thì rất khó khăn.

Đối với chỉ định khi dùng paracetamol, bác sĩ Duy chia sẻ: “Dù paracetamol là thuốc thông thường nhưng vẫn có những chỉ định khi sử dụng, ví dụ như trẻ sốt trên 38,5 độ C, số lần và liều lượng do bác sĩ chỉ định hoặc đọc kỹ trên đơn thuốc. Còn nếu sốt cao không hạ, sốt kéo dài trên 3 ngày phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Liều dùng thông thường thì là 10-15mg/kg cho một lần dùng. Mỗi ngày uống không quá 04 lần, khoảng cách giữa các lần dùng là từ 4-6 tiếng. Liều hạ sốt an toàn là không quá 60mg/kg trong một ngày. Trong trường hợp dùng kết hợp với các thuốc hạ sốt khác phải được sự tư vấn của bác sĩ”.

Khi cho trẻ dùng Paracetamol cần chú ý đến liều lượng.

Bác sĩ Duy cũng cảnh báo, những trẻ có bệnh mãn tính từ trước, đặc biệt là bệnh gan mật, nếu sử dụng phải có hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nếu liều dùng chỉ cần quá 100mg/kg/ngày cũng thể dẫn tới ngộ độc. Đối với trẻ bình thường, liều ngộ độc thường là trên 150mg/kg/ngày.

Với những thắc mắc liên quan đến việc trẻ nhỏ có được dùng thuốc paracetamol dạng viên với hàm lượng 500mg, bác sĩ Duy hướng dẫn, trong trường hợp trẻ bị sốt mà trong nhà không có loại thuốc của trẻ nhỏ (dạng bột) mà chỉ có viên paracetamol loại 500mg, thì cần phải tính cho trẻ uống đúng hàm lượng với cân nặng của trẻ, với cách tính là 10-15mg/kg trong một lần dùng.

“Ví dụ như trẻ 20kg thì sẽ uống 300mg, nếu chỉ có viên paracetamol 500mg thì sẽ cho trẻ uống 2/3 viên. Còn về thành phần thuốc giống nhau, miễn là liều lượng khi cho uống là phải đúng. Nếu uống hàm lượng nhiều quá so với cân nặng thì đương nhiên là ngộ độc, còn nếu uống ít quá thì lại ít có tác dụng hạ sốt”, bác sĩ Duy cho hay.

Trước đó, khoa Cấp cứu (Trung tâm sản Nhi Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (2 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) nhập viện với những biểu hiện ngộ độc thuốc Paracetamol do sử dụng quá liều. Tại bệnh viện, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện tim bệnh nhi đập nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2cm và được chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol. Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, tại đây bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm… 2 giờ sau khi vào viện bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao… Nhận định đây là trường hợp nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan, vì thế khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

(Theo eva.vn)

Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi, Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em