Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Vàng da kéo dài ở trẻ nhỏ

Vàng da kéo dài ở trẻ nhỏ

1. Vàng da là gì? 

Vàng da là tình trạng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt giai đoạn sơ sinh. Trẻ có tình trạng vàng da là do tăng cao lượng bilirubin trong máu. Có 2 loại bilirubin là bilirubin tự do (gián tiếp) và bilirubin trực tiếp.

Vàng da sinh lý: thường gặp trong 7-10 ngày sau sinh, chiếm khoảng  60% ở trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non. Thường xảy ra trong vài ngày đầu sau sinh, do sự tiêu hủy các tế bào hồng cầu dẫn tới tăng bilirubin tự do (gián tiếp). Bilirubin tự do dễ hòa tan vào mô mỡ,ngấm vào nãogây vàng da nhân não trong tuần đầu sau sinh.  Các trường hợp vàng da tăng Bilirubin tự do kéo dài trên 15 ngày đều được coi là bất thường, cần được theo dõi và đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Vàng da do tăng bilirubin trực tiếp hay còn gọi là vàng da ứ mật. Vàng da ứ mật không gây vàng da nhân nhưng là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh gan mật như teo đường mật bẩm sinh, viêm gan, rối loạn chuyển hóa di truyền.

2. Triệu chứng và cách phát hiện vàng da

Vàng da dễ thấy nhất dưới ánh sáng tự nhiên, củng mạc của trẻ thường là nơi có thể phát hiện triệu chứng dễ nhất.

Trẻ có vàng da sinh lý thường da vàng sáng chỉ xuất hiện trong vòng 1 tuần-10 ngày sau sinh sau sinh, mức độ nhẹ và tự giảm dần theo thời gian.

Trẻ vàng da ứ mật có thể xuất hiện sớm ngay trong 1-2 tuần đầu sau sinh hoặc vài tháng sau đẻ với triệu chứng da vàng xỉn, kèm theo một số các triệu chứng như  phân bạc màu, nước tiểusẫmmàu, kém ăn, bỏ bú, chậm tăng cân,…

Để nhận biết một trẻ vàng da, bố mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ lên trán, mũi, hoặc xương ức của trẻ. Nếu da nhìn thấy màu vàng tại nơi vừa ấn, trẻ có khả năng có vàng da nhẹ. Nếu trẻ không có vàng da, màu da tại vị trí ấn chỉ có thể sáng hơn màu da bình thường tại thời điểm đó.

3. Đi khám bác sĩ khi nào?

Trẻ ở giai đoạn sơ sinh có vàng da:

  • Trẻ vàng da sớm ngay trong 1-2 ngày đầu sau sinh hoặc dấu hiệu vàng da, vàng mắt tăng nhanh
  • Trẻ vàng da đến bụng, tay và chân
  • Trẻ lờ đờ và khó đánh thức hoặc tăng trương lực cơ
  • Trẻ không tăng cân hoặc bú kém
  • Trẻ quấy khóc cơn vô cớ
  • Bất kỳ dấu hiệu nào mà bố mẹ cảm thấy bất an, lo lắng.

Ngoài giai đoạn sơ sinh, trẻ có vàng da kèm theo có:

  • Màu phân vàng nhạt hoặc bạc màu
  • Nước tiểu vàng đậm
  • Bụng chướng
  • Bầm tím hoặc xuất hiện ban xuất huyết ngoài da
  • Ngứa da
  • Chậm tăng cân, suy dinh dưỡng.

Đây là những triệu chứng gợi ý tình trạng vàng da có thể liên quan đến bệnh lý gan mật.

4. Các nguyên nhân chính gây vàng da

Vàng da tăng bilirubin tự do:

Vàng da do bất đồng nhóm máu, các bệnh lý gây tan máu do bất thường hình dạng hồng cầu, bất thường huyết sắc tố, thiếu hụt các men trên màng tế bào hồng cầu, domột số bệnh lý liên quan đến gen…

Vàng da tăng bilirubin trực tiếp (vàng da ứ mật)

Do 2 nhóm nguyên nhân chính: nguyên nhân ngoài gan và trong gan

  • Nguyên nhân ngoài gan: Teo đường mật bẩm sinh, nang ống mật chủ, các bệnh lý toàn thân khác. Teo mật bẩm sinh là bệnh cần được phát hiện sớm để phẫu thuật kịp thời, nếu để muộn bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật, bệnh tiến triển nặng thành xơ gan, có thể đe dọa tính mạng.
  • Nguyên nhân tại gan: Viêm gan do virus A, B,C, D, E, Cytomegalovirus, Epstain Barr virus, toxoplasma, rubella,….; do vi khuẩn: giang mai, ricketsia, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu. Các nguyên nhân rối loạn chuyển hóa, nguyên nhân do gen và di truyền, bất thường nhiễm sắc thể, tự miễn, nuôi dưỡng tĩnh mạch dài ngày, ngộ độc, …

5. Trẻ sẽ được xét nghiệm gì khi đi khám?

Trẻ có biểu hiện vàng da kéo dài sẽ được lấy máu xét nghiệm theo từng bước chẩn đoán, xác định mức bilirubin toàn phần, định lượng các loại bilirubin trực tiếp – gián tiếp và kiểm tra các chức năng gan cơ bản, từ đó định hướng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra trẻ sẽ được lấy máu xét nghiệm chức năng gan và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh và tiên lượng mức độ nặng của bệnh. Trẻ cũng có thể được siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để tìm các bất thường của đường mật và tổn thương nhu mô gan nếu có.

Khi trẻ có triệu chứng vàng da kéo dài, cần đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ có thể cho trẻ khám tại phòng khám khoa sơ sinh với trẻ dưới 4 tuần tuổi hoặc chuyên khoa Gan mật với các trẻ trên 4 tuần tuổi để có chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp nhất cho bé.

Khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi có đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực gan mật trẻ em, có thể cung cấp những phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện có tại Việt Nam về lĩnh vực gan trẻ em khi bạn cần. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi bao gồm các bác sĩ phẫu thuật gan mật, hồi sức ngoại khoa và các y bác sĩ chuyên ngành gan mật nhiều kinh nghiệm luôn sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Nếu bạn nghi ngờ con mình có các triệu chứng bất thường về bệnh lý gan mật, hãy đưa các bé tới phòng khám chuyên khoa Gan mật C103-C104 tại Khoa Khám bệnh Chuyên khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương.

BS Bùi Thị Kim Oanh – Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em