Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Viêm thận Lupus

Viêm thận Lupus

A. Viêm thận Lupus là gì?

Viêm thận lupus là viêm thận do lupus ban đỏ hệ thống (SLE hay lupus). SLE là một bệnh tự miễn – một rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính các tế bào và cơ quan của cơ thể đó, 60% các bệnh nhân SLE sẽ có tổn thương thận sẽ dẫn tới bệnh nặng và có thể tử vong.

B. Triệu chứng của viêm thận Lupus

Triệu chứng có thể bao gồm cao huyết áp, nước tiểu nhiều bọt và phù, thường ở chân, bàn chân, hay mắt cá chân và thường ít ở tay hay mặt hơn. Vấn đề thận thường phát triển cùng một thời gian hay thời gian ngắn sau triệu chứng lupus xuất hiện và có thể gồm:

  • Đau hay sưng khớp;
  • Đau cơ;
  • Sốt không rõ nguyên nhân;
  • Ban đỏ, thường ở mặt và còn gọi là ban cánh bướm vì giống con bướm, loét miệng;
  • Mệt, sút cân, rụng tóc, đau ngực, khó thở.

C. Viêm thận lupus được chẩn đoán thế nào?

Viêm thận lupus được chẩn đoán qua xét nghiệm nước tiểu, máu và sinh thiết thận:

1. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu: là kiểm tra mẫu nước tiểu. Mẫu nước tiểu được thu gom trong một bình chứa đặc biệt tại cơ sở y tế hoặc dụng cụ ngoài thị trường và nước tiểu có thể được xét nghiệm ngay tại chỗ hay được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Để làm xét nghiệm này, điều dưỡng hay kỹ thuật viên đặt một que thử vào trong nước tiểu. Vạch trên que thử thay đổi màu sắc khi có máu hay protein, số lượng hồng cầu nhiều hay protein tăng cao trong nước tiểu chỉ ra tổn thương thận.

2. Xét nghiệm máu

Máu có thể được lấy tại cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu của người bệnh và gửi mẫu máu đến phòng xét nghiệm để phân tích. Xét nghiệm máu có thể chỉ ra creatinin trong máu cao. Creatinin là một chất hóa học được thoái hóa từ chuyển hóa của cơ, bình thường được bài tiết bởi thận, creatinin trong máu tăng khi chức năng thận không tốt.

3. Sinh thiết niệu

Sinh tiết thận là kỹ thuật lấy 1 mảnh nhỏ của mô thận để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết thận được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa thận trong bệnh viện với thuốc giảm đau nhẹ và gây tê tại chỗ. Bác sỹ sinh thiết sử dụng kỹ thuật siêu âm để hướng kim sinh thiết vào trong thận. Mô thận được kiểm tra trong phòng thí nghiệm bởi bác sĩ giải phẫu bệnh. Sinh thiết thận giúp cho chẩn đoán xác định viêm thận lupus, xác định tiến triển của bệnh, và hướng dẫn điều trị. Trường đại học về khớp của Mỹ đã khuyến cáo nên sinh thiết thận cho tất cả bệnh nhân có bằng chứng của viêm thận lupus hoạt động mà không được điều trị trước đó.

D. Viêm thận lupus được điều trị như thế nào?

Viêm thận lupus được điều trị với thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, để ngăn ngừa sự tấn công và tổn thương thận. Thuốc điều trị bao gồm corticosteroid, thường là prednisone, để giảm viêm thận. Thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide hay mycophenolate mofetil là thường dùng với prednisone. Những thuốc này được dùng khi có sự kê đơn của thầy thuốc – giúp cho giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và ngăn chặn tế bào miễn dịch của cơ thể tấn công thận trực tiếp hoặc sản xuất ra các kháng thể tấn công thận. Hydroxychloroquin là thuốc điều trị SLE, nên được dùng ngay từ đầu hay duy trì cho những bệnh nhân bị viêm thận lupus.

Bệnh nhân viêm thận lupus gây ra huyết áp cao có thể cần uống thuốc để giảm huyết áp và có thể đồng thời làm chậm đáng kể tiến triển xấu của bệnh thận. Nhiều bệnh nhân cần hai hay nhiều thuốc hơn để kiểm soát huyết áp.

E. Những biến chứng có thể của viêm thận lupus là gì?

Trong nhiều trường hợp, điều trị đạt hiệu quả kiểm soát một phần hay hoàn toàn của viêm thận lupus. Một số ít có thể có biến chứng đó là những biến chứng xa. Mặc dù được điều trị 10%-30% bênh nhân viêm thận lupus vẫn tiến tới suy thận thận giai đoạn cuối và phải được điều trị bằng lọc máu hay ghép thận. Các nhà khoa học không thể dự đoán bệnh nhân sẽ đáp ứng hay không đáp ứng với điều trị. Bệnh nhân bị nghi ngờ viêm thận lupus cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh thận mạn hay tổn thương thận lâu dài.

Các bệnh nhân viêm thận lupus có nguy cơ cao ung thư, u lympho tế bào B tiên phát – một loại ung thư, bắt đầu từ các tế bào của hệ thống miễn dịch. Họ cũng đồng thời có nguy cơ cao trong các bệnh về mạch máu và tim mạch.

F. Chế độ ăn, và dinh dưỡng

Chế độ ăn và dinh dưỡng đã không đóng vai trò là nguyên nhân hay ngăn ngừa viêm thận lupus. Bệnh nhân đang giai đoạn bệnh thận tiến triển có thể cần có chế độ ăn riêng. Bệnh nhân viêm thận lupus và huyết áp cao nên có chế độ ăn nhạt.

G. Các điểm lưu ý

  • Viêm thận lupus là viêm thận gây ra do lupus ban đỏ hệ thống (SLE hay lupus).
  • Triệu chứng của viêm thận lupus có thể bao gồm cao huyết áp, tiểu bọt và phù.
  • Viêm thận lupus được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu, máu và sinh thiết thận.
  • Viêm thận lupus được điều trị với thuốc ức chế mễn dịch để ngừng tấn công và phá hủy thận. Thuốc điều trị bao gồm corticosteroid, thường là prednisone, để giảm viêm trong thận. Loại thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamide hay mycophenclate mofetill thường dùng với predinisone.
  • Bệnh nhân viêm thận lupus gây ra huyết áp cao có thể cần uống thuốc giảm huyết áp, thuốc này cũng có tác dụng làm chậm đáng kể tiến triển xấu của bệnh thận.
  • Đa số các trường hợp, điều trị có thể có hiệu quả kiểm soát một phần hay hoàn toàn viêm thận lupus, một số ít có thể có biến chứng, nếu có là những biến chứng xa. Tuy nhiên mặc dù được điều trị, 10%-30% bệnh nhân viêm thận lupus vẫn tiến tới suy thận.

Cha mẹ nên trang bị đủ kiến thức về cách nhận biết sớm các triệu chứng của viêm thận ở trẻ bị Lupus ban đỏ hệ thống để trẻ được điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ có những triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở khám chuyên khoa thận.

Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa thận (kể cả sáng thứ 7 và chủ nhật). Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám bệnh thận tại các đơn vị sau:

  • Phòng khám chuyên khoa thận tại khoa Khám bệnh Chuyên khoa và khoa Khám bệnh Đa khoa
  • Trung tâm Quốc tế.

Thái Thiên Nam, Trương Mạnh Tú
Khoa Thận và lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em