Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » XOA BÓP BẤM HUYỆT KẾT HỢP CHĂM SÓC – THỰC DƯỠNG ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN TRẺ EM

XOA BÓP BẤM HUYỆT KẾT HỢP CHĂM SÓC – THỰC DƯỠNG ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN TRẺ EM

Táo bón là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ em, chiếm đến 5% số lần thăm khám nhi khoa, trong đó 95% các trường hợp táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng, không phải do thực tổn. Táo bón báo hiệu hệ tiêu hóa của trẻ không mạnh khỏe, lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Vậy táo bón ở trẻ em là gì và y học cổ truyền không dùng thuốc hỗ trợ và điều trị thế nào?

Táo bón ở trẻ em là sự chậm trễ hoặc khó khăn khi đi ngoài, biểu hiện trẻ đi ngoài không thường xuyên (> 2 ngày/lần), phân khô, cứng hoặc muốn đi ngoài nhưng rặn khó khăn, gây đau đớn. Y học cổ truyền gọi đó là chứng/bệnh “Tiện bí” nguyên nhân do ăn uống tích trệ, tỳ vị hư nhược vị trường tích nhiệt,… khiến đại trường giảm hoặc mất chức năng vận chuyển bình thường gây nên.

Táo bón ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt trong cuộc sống của trẻ

 

Điều trị táo bón cơ năng, ngoài các phương pháp tại cơ sở y tế, việc hướng dẫn cha mẹ xoa bóp, tập luyện thay đổi hành vi tích cực cho trẻ tại nhà, cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đẩy nhanh quá trình hồi phục và tránh tái phát táo bón của trẻ.

Dưới đây là một số thủ pháp xoa bóp bấm huyệt đơn giản mà cha mẹ có thể dễ dàng thực hiện cho trẻ tại nhà và lời khuyên về chế độ ăn uống, hành vi, thói quen sinh hoạt giúp hỗ trợ quá trình phục hồi của trẻ.

1. Thủ pháp xoa bóp bấm huyệt

Xát mặt ngoài ngón tay cái (Tỳ Vị kinh): Người làm dùng ngón tay cái miết xát dọc mặt trước ngoài từ gốc ô mô cái đến đầu tận ngón tay cái và ngược lại. Lặp lại động tác liên tục trong 3 – 5 phút
Xát mặt ngoài ngón tay trỏ (Đại trường kinh): Người làm dùng ngón tay cái miết xát mặt ngoài ngón trỏ, theo hướng từ đầu ngón đến tận gốc ngón tay và ngược lại. Lặp lại liên tục động tác trong 3-5 phút.
Day huyệt Bản môn:  Người làm dùng phần thịt mềm đầu ngón tay cái hoặc tay trỏ day ấn tại chính giữa ô mô ngón cái với lực vừa phải. Có thể day xuôi hoặc ngược chiều kim đồng hồ. Làm liên tục 60-100 nhịp.
Day huyệt Túc tam lý: Trẻ ngồi, gập gối thành góc 90o, lòng bàn tay người làm ôm lấy xương bánh chè của trẻ, ngón tay hướng xuống dưới, huyệt nằm ở đầu ngón tay áp út. Người làm dùng dùng phần thịt mềm đầu ngón tay cái hoặc tay trỏ ấn day huyệt.  Có thể day xuôi hoặc ngược chiều kim đồng hồ. Làm liên tục 60-100 nhịp.
Massage vùng bụng: Trẻ nằm ngửa, người làm dùng lòng bàn tay đặt lên bụng trẻ (điểm chính giữa lòng bàn tay tương đương với vị trí rốn của trẻ), ấn nhẹ lực đồng thời xoa day bụng theo chiều kim đồng hồ 6-8 nhịp sau đó đảo ngược chiều kim đồng hồ 2 nhịp. Lặp lại động tác 8-10 lần.
Day huyệt Thiên khu: Huyệt nằm trên đường ngang rốn, cách rốn khoảng 1 đốt ngón tay sang hai bên (lấy ngón tay của trẻ). Người làm dùng 2 ngón tay ấn day 2 huyệt Thiên khu, có thể xuôi hoặc ngược chiều kim đồng hồ, 60-100 nhịp.

2. Tập luyện thay đổi hành vi:.

2.2. Hành vi, thói quen tốt — > nên phát huy

3. Một vài món ăn – vị thuốc có tác dụng nhuận tràng, kiện tỳ:

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm rất dễ dàng dẫn đến sự gia tăng thấp nhiệt trong cơ thể con người, ảnh hưởng đến chức năng của Tỳ Vị. Thêm vào đó, trẻ em có tỳ vị vô cùng non yếu, dễ bị tổn thương không chỉ bởi các tác nhân bên ngoài như chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ăn uống không điều độ, sau các đợt cảm ốm, mà còn chịu tác động đến từ tinh thần, cảm xúc của trẻ như vui quá, sợ quá, áp lực đến từ học tập và những yêu cầu không được thỏa mãn,… Khi tỳ vị bị tổn thương sẽ biểu hiện ra nhiều triệu chứng khác nhau về tiêu hóa, một trong số đó là tình trạng táo bón cơ năng. Một số loại thảo dược không chỉ là vị thuốc đông y mà còn đồng thời là các món ăn hàng ngày có tác dụng kiện tỳ, khai vị, nhuận tràng. tiêu thực trệ giúp cho công năng của Tỳ vị được cải thiện: như Sơn dược (Củ mài), Ý dĩ ( hạt bo bo),  Đông qua (bí đao/ bí xanh), Trần bì (vỏ quýt), Liên nhục (hạt sen),  Ma nhân (vừng đen), Lô hội, …

(1) Cháo Kê – Sơn dược:

Thành phần: Sơn dược, hạt kê; đường phèn/muối theo khẩu vị, nước vừa đủ. Nấu thành cháo loãng.

Tác dụng: kiện tỳ hòa vị, hỗ trợ tiêu hóa.

(2) Chè vừng đen:

Thành phần: vừng đen sao, xay thành bột mịn; nước gừng; đường phèn, nước vừa đủ. Nấu chè vừa đủ độ sánh, ngọt theo sở thích.

Tác dụng: nhuận tràng, thông tiện; dưỡng âm; tăng sức đề kháng.

(3) Canh hạt sen:

Thành phần: hạt sen; đỗ xanh (cả vỏ); gừng tươi (2-3 lát); đường phèn/nuối theo khẩu vị, nước vừa đủ.

Tác dụng: Bổ tỳ, thanh nhiệt, tăng cường nhu động ruột.

(4) Chè lô hội:

Thành phần: Lô hội (cắt thành hạt lựu vừa ăn); táo (cắt miếng mỏng); gừng tươi (2-3 lát); đường phèn; nước vừa đủ. Đun sôi 3-5 phút.

Tác dụng: thanh nhiệt, nhuận tràng, kiện tỳ trừ thấp

(5) Canh sườn – Ý dĩ:

Thành phần: Sườn heo; Bí xanh; Ý dĩ; muối, nước vừa đủ. Sườn heo và ý dĩ hầm trước, khi chín nhừ thêm bí xanh đun sôi 3-5 phút là được.

Tác dụng: kiện Tỳ trừ thấp, hỗ trợ tiêu hóa

TS.BS Nguyễn Hồng Minh, BS. Dư Khánh Thiện, ĐDCKI. Kiều Thị Ơn 

Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em