Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » An toàn khi tắm cho trẻ

An toàn khi tắm cho trẻ

Tắm là một công việc thiết yếu và được thực hiện thường xuyên trong chăm sóc trẻ hàng ngày. Tuy nhiên, có một số mối nguy hiểm trong phòng tắm phụ huynh nên chú ý để tránh gây nguy hiểm cho con, bao gồm nguy cơ đuối nước, nguy cơ bỏng nước, mất an toàn các thiết bị điện và các chất độc tiềm ẩn.

(Ảnh minh họa)

An toàn khi tắm

  • Hãy đảm bảo rằng bạn luôn ở đó và chú ý khi trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi hoặc trẻ dưới 5 tuổi đang tắm.
  • Bạn nên chuẩn bị trước mọi thứ (ví dụ: khăn tắm, quần áo sạch, tã lót) để có thể luôn luôn ở bên con mình.
  • Đừng để anh chị lớn giám sát vì chúng có thể không nhận ra khi trẻ nhỏ gặp nguy hiểm hoặc phản ứng nhanh được như người lớn.
  • Bỏ qua mọi vấn đề có thể khiến bạn mất tập trung khỏi con, ví dụ như một cuộc điện thoại hoặc chuông cửa khiến bạn phải rời đi trong lúc con đang tắm. Nếu bạn có nhiều việc phải làm, hãy trì hoãn thời gian tắm cho đến khi có người lớn khác ở bên giúp đỡ.
  • Đổ/ xả hết nước trong chậu/ bồn tắm ngay sau khi sử dụng.
  • Chỉ cho nước vừa đủ để tắm rửa và vui chơi – chiều cao ngang rốn là đủ cho trẻ có thể tự ngồi dậy.
  • Nên đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng để trẻ nhỏ không thể tự mình chạm vào vòi nước.

Ngăn ngừa bỏng và bỏng nước

  • Trẻ nhỏ có làn da rất nhạy cảm, điều đó có nghĩa là nước nóng có thể làm trẻ bị bỏng rất nhanh. Nhiệt độ an toàn khi tắm cho trẻ là từ 37°C đến 38°C (hoặc khoảng 36°C đối với trẻ sơ sinh). Bạn có thể kiểm tra nhiệt độ nước bằng cổ tay hoặc khuỷu tay của bạn – nhiệt độ phải ấm thoải mái, không nóng. Hoặc tốt hơn, có thể đo nhiệt độ của nước bằng 1 cái nhiệt kế nước.
  • Đảm bảo nước nóng được cung cấp cho bồn tắm hoặc vòi sen từ hệ thống nước nóng có nhiệt độ tối đa là 50°C.
  • Không bao giờ đổ đầy bồn tắm chỉ bằng nước nóng. Luôn trộn lẫn nước lạnh chảy vào cùng nước nóng để có nhiệt độ nước tắm thích hợp.
  • Giữ con bạn tránh xa bồn tắm cho đến khi nước có nhiệt độ thích hợp.

Phòng tránh các mối nguy hiểm trong phòng tắm

  • Phòng tránh té ngã, trơn trượt trong nhà tắm cho người lớn và trẻ nhỏ.
  • Giữ thuốc, mỹ phẩm và các chất tẩy rửa trong các hộp/lọ có nguyên tem nhãn của sản phẩm, vặn chặt nắp hộp/lọ, không đổ sang cốc hoặc bảo quản trong các chai/lọ nước ngọt, tốt nhất là trong tủ có khóa và tránh xa tầm tay của trẻ (cao ít nhất 1,5 m).
  • Rút phích cắm các thiết bị điện và cất chúng đi khi con bạn đang tắm.
  • Các thiết bị điện để cố định, nên được lắp đặt công tắc an toàn để giảm khả năng bị thương do điện nếu thiết bị rơi vào bồn rửa hoặc nước tắm.
  • Đậy nắp bồn cầu sau khi sử dụng và và chú ý trông chừng trẻ mới biết đi chơi đùa nghịch bồn cầu.

Những điểm chính cần nhớ

  • Luôn chủ động giám sát trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ dưới 5 tuổi khi tắm – không bao giờ để trẻ một mình trong bồn tắm và không bao giờ để anh chị lớn giám sát.
  • Đổ/xả nước ngay sau khi tắm xong.
  • Ngăn ngừa bỏng nước trong phòng tắm bằng cách đảm bảo hệ thống nước nóng được đặt ở mức 50°C.

Bùi Thị Thanh Hương – Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa
Tạ Đình Hoàn – Khoa điều trị tích cực Ngoại tim mạch

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Nhi Trung ương (2023), Quy trình kỹ thuật tắm người bệnh tại giường.
2. https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Safety_Bath_time/

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em