1. Chán ăn tâm thần ở trẻ em là gì?
Chán ăn tâm thần là một bệnh lý trong đó người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể so với nhu cầu năng lượng của mình bằng cách ăn ít hơn, tập thể dục nhiều hơn và/hoặc tống thức ăn ra ngoài bằng thuốc nhuận tràng và nôn mửa. Trẻ em và trẻ vị thành niên mắc vấn đề này có cái nhìn lệch lạc về hình dáng cơ thể như nghĩ bản thân quá béo, chủ động dùng các biện pháp để giảm cân và duy trì cân nặng thấp hơn so với chuẩn.
2. Vì sao trẻ lại có biểu hiện chán ăn tâm thần?
Nguyên nhân chính xác của chán ăn tâm thần vẫn chưa được biết rõ. Cũng như nhiều bệnh khác, có thể đây là sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường.
Những yếu tố chính gây ra bệnh chán ăn tâm thần đó là:
– Xu hướng xã hội đối với ngoại hình cơ thể: ưa chuộng thân hình mảnh mai.
– Tiền sử trêu chọc về ngoại hình: trẻ bị trêu hoặc bắt nạt về cân nặng của mình có nhiều khả năng mắc rối loạn ăn uống hơn. Những người trêu chọc trẻ có thể là bạn bè, thành viên trong gia đình, thầy cô giáo,…
– Tiền sử gia đình: trẻ em mắc chứng chán ăn thường xuất thân từ những gia đình có tiền sử:
- Vấn đề cân nặng.
- Bệnh lý.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
3. Những trẻ nào có nguy cơ mắc chán ăn tâm thần?
Hầu hết trẻ chán ăn tâm thần là trẻ gái nhưng hiện nay ngày càng có nhiều trẻ trai mắc bệnh lý này. Trước đây, bệnh thường xuất hiện ở các gia đình trung lưu và thượng lưu, nhưng hiện nay được ghi nhận ở tất cả các nhóm kinh tế xã hội, cũng như nhiều nhóm dân tộc và chủng tộc khác nhau.
Trẻ em mắc chứng chán ăn thường xuất thân từ những gia đình cha mẹ có tính cách cứng nhắc và hay chỉ trích. Những cha mẹ có xu hướng xâm phạm không gian riêng, bao bọc quá mức trong khi trẻ còn phụ thuộc và chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Trẻ có thể mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm.
4. Triệu chứng của chán ăn tâm thần ở trẻ em
Triệu chứng của mỗi trẻ có thể khác nhau. Trẻ có thể:
- Gầy sút cân nhiều: trên 15% trọng lượng cơ thể.
- Sợ bị béo phì, ngay cả khi cân nặng của trẻ nhẹ hơn so với tiêu chuẩn.
- Từ chối những thực phẩm giàu năng lượng: thịt, mỡ, trứng, cá,…
- Phủ nhận cảm giác đói để giảm số lượng đồ ăn: luôn nói đã no hoặc ăn nhanh no,…
- Hoạt động thể lực nhiều để tăng tốc độ giảm cân.
- Trở nên khép kín, cáu kỉnh, thất thường hoặc chán nản.
Nhiều triệu chứng cơ thể kèm theo liên quan đến chán ăn tâm thần thường là hậu quả do suy dinh dưỡng:
- Da khô, bong tróc.
- Đau bụng.
- Táo bón.
- Mệt mỏi, uể oải.
- Hay cảm thấy lạnh hơn thông thường.
- Sự phát triển của lông tơ mịn trên cơ thể .
- Vàng da.
- Xuất huyết dưới da.
- Phù.
- Ở trẻ gái, mất 3 kỳ kinh nguyệt mà không có nguyên nhân nào khác.
5. Chẩn đoán và điều trị chán ăn tâm thần ở trẻ em như thế nào?
Cha mẹ, giáo viên hoặc người chăm sóc có thể phát hiện dấu hiệu trẻ em hoặc vị thành niên mắc chứng chán ăn tâm thần, mặc dù nhiều trẻ có xu hướng che dấu biểu hiện.
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và làm một số kiểm tra: xét nghiệm máu, kiểm tra tim mạch, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bài test trắc nghiệm tâm lý,…
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, sức khỏe tổng quát của trẻ và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Trẻ sẽ được trị liệu tâm lý để điều chỉnh nhận thức sai lệch về hình thể, phục hồi dinh dưỡng, dùng thuốc để điều chỉnh vấn đề cảm xúc – hành vi kèm theo trong một số trường hợp nếu cần.
Chán ăn tâm thần là một bệnh lý có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để hạn chế hậu quả.
Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu chán ăn hoặc nghi ngờ chán ăn tâm thần, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể đưa trẻ đến khám tại phòng khám Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương:
- Phòng khám số 53 – Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương
- Hotline tư vấn và CSKH: 086 512 2783
Tham khảo
1. Weiselberg EC, Gonzalez M, Fisher M. Eating disorders in the twenty-first century. Minerva Ginecol. 2011;63(6):531–545
2. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th ed. Washington, DC: American Psychiatric Association Publishing; 2013
3. Sawyer SM, Whitelaw M, Le Grange D, Yeo M, Hughes EK. Physical and psychological morbidity in adolescents with atypical anorexia nervosa. Pediatrics. 2016;137(4):e20154080
ThS.BSNT Vũ Thị Mỹ Hạnh
TS.BS Đỗ Minh Loan
Khoa Sức khỏe vị thành niên