Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Cập nhật chẩn đoán, điều trị COVID-19 cấp tính, hội chứng hậu COVID-19 và MIS-C ở trẻ em

Cập nhật chẩn đoán, điều trị COVID-19 cấp tính, hội chứng hậu COVID-19 và MIS-C ở trẻ em

Do các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân mắc COVID-19 cấp tính và đặc biệt là sau mắc COVID-19 rất đa dạng, ngày 5/4/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức “Tập huấn về COVID-19 cấp tính và Hậu COVID-19 ở trẻ em” dưới hình thức trực tuyến nhằm cập nhật liên tục kiến thức về tiếp cận và điều trị cho bác sĩ chuyên khoa Nhi trong cả nước.

“Tập huấn về COVID-19 cấp tính và Hậu COVID-19 ở trẻ em” được Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức thành công

Phân độ lâm sàng COVID-19 cấp tính

Trong bài giảng “Các thể lâm sàng COVID-19 cấp tính ở trẻ em”, TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh bệnh lý COVID-19 ở trẻ em có thể có các biểu hiện lâm sàng và cácbiến chứng nặng nên các bác sĩ điều trị cần đặc biệt chú ý để xử trí kịp thời như: “Bão cytokine” (trạng suy hô hấp, suy đa tạng), co giạt, viêm não, nhiễm trùng huyết, tổn thương thận cấp, viêm não.., … Nhất là ở những trẻ có yếu tố nguy cơ cao như có bệnh nền, cần theo dõi sát các dấu hiệu nặng, đồng thời đảm bảo duy trì điều trị bệnh nền theo phác đồ.

TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương

Về phân độ lâm sàng, bệnh nhân COVID-19 cấp tính có biểu hiện nặng sẽ có các dấu hiệu như trẻ thở nhanh theo tuổi kèm >= 1 dấu hiệu co rút lồng ngực hoặc thở rên (trẻ < 2 tháng tuổi), phập phồng cánh mũi; Trẻ khó chịu, quấy khóc, bú/ ăn/ uống kém; SpO2 90 – <94% khi thở khí trời; X-quang phổi tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa >= 50% phổi. Những trường hợp này cần được chuyển đến điều trị ở những đơn vị hồi sức, hỗ trợ hô hấp và sử dụng thuốc Corticoid, thuốc kháng vi rút, thuốc chống đông, kháng sinh,..

Mức độ nguy kịch được xác định khi suy hô hấp nặng SpO2 < 90%, cần đặt nội khí quản; Tím trung tâm, thở bất thường, rối loạn nhịp thở; Ý thức giảm, khó đánh thức hoặc hôn mê sâu; Trẻ bỏ bú/ ăn hoặc không uống được; Suy đa tạng; Cơn bão cytokine,… Lúc này bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp xâm nhập, sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh, chống đông, có thể cần lọc máu, ECMO.

Phân độ lâm sàng nặng ở trẻ mắc COVID-19 cấp tính

Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính,  sau khi ra viện, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế. Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ Nhi khoa vào khoảng thời gian 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Tiếp cận chẩn đoán và điều trị hội chứng hậu COVID-19 và MIS-C ở trẻ em không hề đơn giản

Theo WHO, hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc COVID-19 mà không có triệu chứng. Các triệu chứng của tình trạng hậu COVID-19 có bắt đầu ra ngay từ ngày đầu tiên khi bắt đầu mắc COVID-19 rồi tồn tại kéo dài hoặc ở xuất hiện giai đoạn sau này.

Từ đầu tháng 2 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận một số trẻ có  các dấu hiệuhậu COVID -19 từ nhẹ đến nặng. Đa số trẻ bị nhập viện điều chưa được tiêm phòng COVID-19, đáng chú ý đã có những bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.

Tại buổi Tập huấn trực tuyến, Bài giảng “Hậu COVID-19 và MIS-C ở trẻ em” của TS. BS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cung cấp hệ thống kiến thức bổ ích về tổng quan hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em, tiếp cận lâm sàng, tiếp cận chẩn đoán và điều trị hậu COVID nói chung và cụ thể là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có liên quan tới COVID-19 (MIS-C)

Lưu đồ tiếp cận chẩn đoán bệnh nhi nghi mắc hội chứng MIS-C được TS. BS Phan Hữu Phúc phân tích trong bài giảng

Biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài; Trẻ bị mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ; Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; Có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau (trên 2 bộ phận) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc,… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế để biết có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống hay không.

Đối với hội chứng MIS-C, không có chuẩn vàng để chẩn đoán, cần tập hợp nhiều triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán bằng cách loại trừ với các bệnh lý khác (các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhưng không liên quan đến COVID-19 như nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa cấp, viêm tiết niệu,.. Đặc biệt cần phân biệt nhất là giữa MIS-C và COVID-19 cấp tính; giữa MIS-C và Kawasaki (sốt cấp kèm phát ban toàn thân).

Về những triệu chứng cần lưu ý, TS. BS Phan Hữu Phúc cho biết: “Một trong những biểu hiện hậu COVID-19 mà nhiều người không để ý đó là các biểu hiện về thần kinh. Trong một nghiên cứu trên y văn với hơn 200 ca bệnh nhân MIS-C thì có khoảng gần 100 ca bệnh có những biểu hiện về thần kinh từ đau đầu, chóng mặt cho đến ngất và đột quỵ, có tới 3% bệnh nhân co giật,..v..v..

TS. BS Phan Hữu Phúc Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em giảng dạy tại buổi Tập huấn

Về đánh giá ban đầu để tiếp cận chẩn đoán và theo dõi MIS-C, các bác sĩ cần khai thác bệnh sử/ tiền sử; Đánh giá dấu hiệu sinh tồn, độ bão hòa oxy, các dấu hiệu lâm sàng; Thực hiện xét nghiệm ban đầu như: CTM, phân tích nước tiểu, máu lắng, CRP, Ure…

Nếu lâm sàng nghi ngờ MIS-C, thì làm thêm một số xét nghiệm tiếp theo để chẩn đoán chính xác, kết hợp chụp X-quang ngực, siêu âm tim, điện tâm đồ, siêu âm ổ bụng, test PCR…

Hầu hết trẻ gặp phải Hội chứng MIS-C cần được điều trị trong bệnh viện. Hội chứng này tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm,tuy nhiên, khi trẻ được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.

COVID-19 và hậu COVID-19 với mô hình bệnh tật thay đổi liên tục và phức tạp vẫn đang là những thách thức không nhỏ với ngành y tế. Vì thế các buổi tập huấn như trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp các y bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để điều trị và chăm sóc sức khỏe trẻ em hiệu quả nhất. Về phía phụ huynh, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, hãy theo dõi sát sao con trẻ trong và sau khi nhiễm bệnh; tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ và tạo môi trường sống lạc quan, vui vẻ cho các con trong cuộc sống bình thường mới.

Độc giả có thể theo dõi Video Full bài giảng dưới đây:

Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu

Chuyên mục: Hội thảo - Hội nghị, Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em