Phanh lưỡi là một nếp niêm mạc nối mặt dưới của lưỡi tới sàn miệng và mặt trong xương hàm dưới. Khi phanh lưỡi ngắn, dầy và căng, hạn chế vận động gây ra tật dính lưỡi.
A. Dính lưỡi là gì?
Phanh lưỡi là một nếp niêm mạc nối mặt dưới của lưỡi tới sàn miệng và mặt trong xương hàm dưới. Khi phanh lưỡi ngắn, dầy và căng, hạn chế vận động gây ra tật dính lưỡi.
Đây là một bất thường về cấu trúc giải phẫu bẩm sinh, với tỷ lệ gặp ở nam và nữ là 3:1. Tỷ lệ mắc tật dính lưỡi ở trẻ sơ sinh là khoảng 5%
B. Các mức độ của dính lưỡi
Phanh lưỡi bình thường khi phần tự do của lưỡi lớn hơn 16 mm
Theo phân loại của Kotlow năm 1999 chia dính lưỡi thành 4 độ
Độ 1: Dính lưỡi mức độ nhẹ, từ 12 đến 16mm
Độ 2: Dính lưỡi mức độ vừa, từ 8 đến 11mm
Độ 3: Dính lưỡi mức độ nặng, từ 4 đến 7mm
Độ 4: Dính lưỡi hoàn toàn, nhỏ hơn 4mm
C. Triệu chứng nào cần đưa trẻ đi khám
Trẻ bị dính lưỡi thường khó bú ở trẻ sơ sinh, khó nuốt ở trẻ ăn dặm, chậm nói, khó phát âm, nói ngọng: chủ yếu trẻ phát âm sai các phụ âm: r, kh, tr, l…
Đối với các trẻ lớn hướng dẫn trẻ đưa lưỡi ra phía trước thì đầu lưỡi không có khả năng cong lưỡi lên môi trên, đầu lưỡi bị chẻ hình chữ V. Lưỡi không có khả năng cong chạm vòm miệng khi há miệng (hình dưới).
D. Điều trị tật dính lưỡi
– Luyện âm: luyện phát âm đối với trường hợp dính độ 1 và độ 2. Nếu luyện âm không hiệu quả thì có thể xem xét khả năng phẫu thuật.
– Phẫu thuật và tạo hình lại phanh lưỡi trong trường hợp dính lưỡi độ 3 và 4. Trường hợp dính lưỡi độ 1 và độ 2 cần có thêm sự đánh giá về lâm sàng và chức năng của lưỡi xem xét có cần can thiệp phẫu thuật hay không.
– Thời gian phẫu thuật: Những trường hợp ảnh hưởng đến chức năng bú thì phẫu thuật càng sớm càng tốt, còn lại nên phẫu thuật trước 1 tuổi
– Hiện nay, tại Khoa Răng – Hàm – Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị dính lưỡi được điều trị phẫu thuật bằng Laser không gây chảy máu, không đau sau mổ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, gia đình nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị phục hồi chức năng ngôn ngữ hay phẫu thuật.
E. Cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau phẫu thuật dính lưỡi
Thông thường, sau phẫu thuật, tại chỗ cắt dính lưỡi thường có vết màu trắng, đó là diễn biến bình thường, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Hiện tượng này sẽ hết và vết tổn thương sẽ lành sau một vài tuần.
Cần theo dõi chăm sóc trẻ, không cho trẻ ngậm hoặc cắn các vật cứng để tránh chảy máu, không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng. Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Một số lưu ý sau khi phẫu thuật dính phanh lưỡi:
+ Sau phẫu thuật trẻ có thể uống sữa hoặc ăn thức ăn lỏng, mềm và nguội.
+ Cho trẻ uống nhiều nước để làm sạch miệng
+ Trẻ lớn: Hướng dẫn trẻ vận động lưỡi ngay sau mổ, uốn lưỡi lên trên, đưa lưỡi ra ngoài.
+ Trẻ nhỏ: tráng miệng bằng 1 đến 2 thìa nước sau ăn.
Sau khi vết thương lành nên hướng dẫn trẻ thực hiện vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt.
Liên hệ: Khoa Răng – Hàm – Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương
Điện thoại: 024.62738928
Email: k.rhm@nch.gov.vn
Phạm Đăng Quang
Khoa Răng – Hàm – Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương